23 thg 8, 2013

HỘI CHỨNG ĐAU VAI GÁY

ẢNH MINH HỌA


Đau vai gáy, bàn tay và ngón tay là hội chứng gồm nhiều triệu chứng khác nhau gặp nhiều ở người cao tuổi. Việc phát hiện sớm để điều trị và ngăn ngừa là rất cần thiết.

Nguyên nhân và biểu hiện của hội chứng
Hội chứng đau vai gáy, bàn tay, ngón tay có liên quan mật thiết với hiện tượng rối loạn vận mạch và thần kinh cánh tay.
Hệ thống vận mạch của chi trên chạy từ nách xuống tận cùng các đầu ngón tay và tập trung chủ yếu là vùng nách và lòng bàn tay. Khi hệ thống này bị rối loạn do xơ cứng mạch máu, tắc mạch hoặc bán tắc mạch máu làm cho máu khó lưu thông sẽ gây nên hiện tượng phù nề, nhất là vùng nách và gan bàn tay - nơi tập trung nhiều mao mạch nhất.

Ngoài ra, các rễ thần kinh xuất phát từ các khe khớp của đốt sống cổ, nếu bị chấn thương (hoặc do thoái hóa đốt sống cổ hoặc do chấn thương cơ học hoặc cả hai) cũng làm rối loạn cảm giác và gây nên hội chứng tê bì vai gáy, bàn tay, ngón tay.
Điển hình của hội chứng vai gáy, bàn tay, ngón tay là đau và tê bì. Khớp vai đau nhiều ở giai đoạn đầu, đau nhức buốt nhưng cơn đau ngắn. Khi bệnh đã kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng thì cơn đau kéo dài lâu hơn nhất là khi khớp vai đã bị xơ hóa, cứng khớp làm hạn chế vận động hoặc vận động rất khó khăn.
Bàn tay và ngón tay có thể bị sưng nề do máu không lưu thông được. Sưng nề xảy ra ở mu bàn tay và các khớp bàn tay và khớp ngón tay. Phát hiện sưng nề có thể nhìn thấy mu bàn tay sưng lên, mất hết các nếp nhăn (thấy rõ ở người cao tuổi do tế bào da của họ đã và đang bị thoái hóa).
Phát hiện sưng nề của mu bàn tay cũng có thể dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào mu bàn tay mà phía dưới chỗ ấn có nền xương cứng sẽ thấy da bị lõm. Lõm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ sưng nề của từng người bệnh. Người bệnh cũng luôn có cảm giác bàn tay hơi nặng và nhất là đau tự nhiên hoặc khi cử động.
Hội chứng vai gáy, bàn tay, ngón tay còn biểu hiện tê bì, rõ rệt nhất là các ngón tay, đặc biệt là ngón tay trỏ, ngón giữa. Hội chứng này nếu không phát hiện sớm và điều trị sớm, tích cực thì hậu quả có thể gây cứng khớp, dính dây chằng gây đau đớn mỗi khi vận động và cũng có thể gây tàn phế. Ngoài ra, hội chứng nếu bị tổn thương thần kinh cảm giác thì sẽ gây nên đau buốt và rối loạn cảm giác, nhất là rối loạn cảm giác các ngón tay hoặc da bị teo và xuất hiện hiện tượng thay đổi sắc tố da.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi mắc hội chứng nên đi khám càng sớm càng tốt, nhất là khám chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán, điều trị và tư vấn kịp thời. Hàng ngày nên tập luyện vận động các khớp vai, bàn tay, ngón tay. Cần tập các động tác giơ cao cánh tay lên quá đầu, làm như vậy nhiều lần trong mỗi lần tập và trong ngày nên lặp lại vài ba lần tập. Làm như vậy mục đích chính là để cho máu dễ dàng lưu thông về tim, tránh ứ đọng ở chi, đặc biệt là nách và gan bàn tay gây chèn ép, phù nề. Người bệnh cũng nên tập động tác quay cánh tay, nên quay nhẹ nhàng không nóng vội, lần đầu tập nên quay một số vòng để thích ứng dần dần, sau đó quay tăng dần số vòng lên. Mỗi một ngày nên tập như vậy vài ba lần, mỗi lần khoảng 10 phút.
Để tránh hiện tượng phù nề, người bệnh có thể dùng một số loại băng chun y tế quấn các ngón tay hoặc bàn tay mục đích ép nhẹ nhàng cho máu lưu thông, không được quấn băng chun chặt quá sẽ phản tác dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tự xoa bóp các khớp ngón bàn tay, ngón tay hoặc được sự hỗ trợ của điều dưỡng viên hoặc người nhà để xoa bóp khớp vai cũng như các khớp bàn tay, ngón tay.
Vấn đề dinh dưỡng cũng như thoải mái tinh thần là rất cần thiết. Người bệnh cần ăn uống đủ chất, hoa quả, rau để tăng cường các loại sinh tố. Cũng nên ăn cá, nhất là các loại cá nhỏ được nấu nhừ để người cao tuổi có thể ăn được cả nạc lẫn xương làm tăng lượng canxi trong mỗi bữa ăn.
Việc tập luyện cũng như dinh dưỡng hợp lý đối với những người cao tuổi chưa bị hội chứng đau vai gáy, bàn tay, ngón tay cũng rất cần thiết, bởi vì với người cao tuổi sức đề kháng cũng như mọi chức năng của cơ thể đang ngày một xuống cấp. Tập vận động cánh tay, khớp vai, bàn tay, ngón tay cũng như tập vận động đốt sống cổ một cách đều đặn hàng ngày cũng có thể tránh không mắc phải hoặc hạn chế hội chứng đau vai gáy, bàn tay, ngón tay ở mọi người cao tuổi.
Nguồn Suckhoedoisong.vn 

22 thg 8, 2013

ĐỀ PHÒNG ĐAU CỔ VAI GÁY

 Trở trời khiến rất nhiều người bị đau ở vùng cổ, vai, gáy. Tuy nhẹ hơn so với chứng trúng gió méo miệng, nhưng nếu bệnh nhân chủ quan, không chữa trị ngay sẽ dẫn tới viêm gân cơ, hoặc chèn lên các dây thần kinh khiến bệnh nhân đau nhức, phải chữa trị rất lâu mới dứt bệnh.
Cơ chế gây bệnh

Kể từ đầu mùa lạnh, chị Hà Ly (Hà Nội) đã mấy lần bị đau ở vùng cổ, vai, gáy. Chỉ cần đi xe máy không quàng khăn là bị đau ngay. Có lần gội đầu xong, chị ra đường, khi về thấy nhức một điểm trên vai. Dù đã tự xoa bóp nhưng cảm giác đau ngày càng tăng, chuyển lên cổ, cằm, hai mang tai, rồi đau khắp vùng cổ vai gáy, ngây ngấy như bị sốt, rất khó chịu. Có lần chị cố chịu vài ngày, chứng đau lan xuống cả cánh tay với cảm giác tê bì, nóng rát, hạn chế vận động cột sống cổ...

Theo TS.BS Lương Tài (BV Châm cứu TƯ), chứng đau cổ, vai, gáy gặp ở mọi lứa tuổi do rất nhiều nguyên nhân như: Gội đầu, tắm đêm, đi đêm ngấm sương lạnh, tư thế ngồi sai, tư thế lao động sai... Nhưng chủ yếu vẫn do bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, những người phải ngồi lâu ở một tư thế cũng rất hay mắc. Người hay nằm nghiêng, gối cao, lúc ngủ dậy, cũng hay bị cứng cơ, vẹo cổ.
TS. BS Phạm Hữu Lợi (Phó Trưởng khoa Nội, BV Châm cứu TƯ) cho biết, tuổi trung niên hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay bị đau cổ, vai, gáy, ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt hằng ngày. Chứng đau cổ, vai, gáy nhẹ chỉ cần châm cứu, xoa bóp 1-2 lần là khỏi. Nhưng để xuống tới huyệt phế du là đã bị nhiễm lạnh lâu, ngấm sâu vào cơ thể, chữa sẽ lâu hơn. Nếu cơ bị co lâu ngày làm máu lưu thông kém, các khe đốt sống cổ co hẹp chèn ép lên các dây thần kinh vai, gáy khiến bệnh nhân đau đớn và làm suy thoái đốt sống cổ nhanh hơn. 
Không tự lắc cổ, xoay vặn mình
Theo TS.BS Phạm Hữu Lợi, một trong những sai lầm bệnh nhân hay mắc phải là thường đắp khăn lạnh vào chỗ đau ở vùng cổ, vai, gáy để mong giảm đau. Điều này rất nguy hiểm vì những vùng trên bị đau do trúng phong hàn, khi gặp lạnh sẽ càng thêm đau.
Một thói quen khác nguy hiểm không kém là tự lắc cổ khi đau mỏi và xoay vặn mình khi ngủ dậy. BS Phạm Hữu Lợi cho biết, BV Châm cứu TƯ vừa điều trị cho một bệnh nhân khi bị đau mỏi cổ đã lắc cổ mạnh một cái. Hậu quả là bị trật khớp cổ, phải đi cấp cứu, may mà chưa nguy tới tính mạng.
Bác sĩ Phạm Hữu Lợi khuyên, khi đau cổ vai gáy chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không nên vận động mạnh, cũng không lắc cổ. Chỉ nên vận động mạnh khi có chỉ định của bác sĩ.
Chữa Tây y hay Đông y?
Chứng đau cổ, vai, gáy chỉ cần đến các cơ sở y tế điều trị (thường là ngoại trú) bằng cách châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu rất hiệu quả. Tuỳ nguyên nhân, mức độ bệnh thầy thuốc sẽ điện châm hay thủy châm, ôn châm vùng cổ, vai, gáy, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt vận động nhẹ nhàng cổ và khớp vai... Hoặc dùng máy từ nhiệt chườm nóng kết hợp uống thuốc giãn cơ... Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần châm cứu trị liệu 2 ngày là khỏi, bệnh nặng thì mất khoảng 2-3 tuần. Nếu đau xuống tới huyệt phế du sẽ điều trị ôn châm (vừa châm cứu, vừa hơ ngải vào đốc kim làm kim nóng, lan tới huyệt để trị hàn). Với Tây y, chứng đau cổ, vai, gáy do thời tiết thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, hoặc cao dán, ưu điểm là nhanh khỏi nhưng hết thuốc có thể sẽ bị đau lại và hay tái phát.
Một số trường hợp đau cổ, vai, gáy nhẹ bệnh nhân có thể xoa bóp nhẹ nhàng ở cổ và vai bằng dầu nóng sẽ cảm thấy dễ chịu. Cách nữa là hơ nóng ngải cứu cho vào khăn chườm nóng vào vùng cổ, vai, gáy. Hỗ trợ thêm bằng các động tác day xoa, vỗ, gõ.
BS Nguyễn Hữu Lợi khuyến cáo, khi điều trị, người bệnh cố gắng chữa trị dứt điểm, chớ thấy hơi bình thường đã bỏ vì khi ấy hàn khí tích trong cơ thể vẫn còn, khi trái gió trở trời, gặp lạnh là tái phát.
NÊN:
- Bổ sung khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E.
- Đi khám bệnh khi có dấu hiệu đau vùng cổ, vai, gáy với những người làm công việc văn phòng.
- Tập các động tác dưỡng sinh ưỡn cổ như cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, sau đó nghiêng đầu sang trái, sang phải rồi xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống rất tốt với cổ, vai, gáy.
- Ngồi đúng tư thế bằng cách luôn giữ ngực thẳng, cằm hơi cúi về phía trước, lưng và cột sống cùng nằm trên một đường thẳng, tránh nghiêng cổ lâu một phía.
- Đứng đúng tư thế bằng cách giữ thẳng ngực, eo và lưng tạo thành một đường cong tự nhiên. - Thay đổi tư thế để cơ bắp vùng vai, gáy được thư giãn.
- Khi lái xe, đầu gối để cong vuông góc, tay và vai tạo ra đường cong tự nhiên, phần eo lưng phải có điểm tựa, cổ giữ thẳng sẽ giảm tổn thương vai, cổ.
- Chỉ nên gối cao khoảng 10cm khi ngủ, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy.
KHÔNG NÊN:
- Hở gáy khi đi xe máy mùa lạnh, vì ở gáy có huyệt phong trì, đi xe máy gió tạt vào làm các huyệt này nhiễm lạnh là bị đau cổ, vai, gáy.
- Gội đầu lâu. Các huyệt phong trì lạnh cũng bị đau cổ, vai, gáy.
- Để tóc ướt ra đường vì gió thổi, hơi nước bốc lên sẽ lấy nhiệt của cơ thể, chỗ gáy bị lạnh sẽ gây đau vùng cổ, vai, gáy, thậm chí bị cảm.
- Nhảy ngay vào bồn khi tắm.
- Xối nước thẳng vào đầu, thân mình.
- Cúi đầu quá nhiều về phía trước khi ngồi học, đọc sách, làm việc…
- Căng cổ ngước nhìn lên cao lâu.
- Xoay đầu thường xuyên về bên đau.
- Nâng hoặc kéo một vật với cổ gập, đọc sách với tư thế cổ gập lâu.
- Ngủ với gối cao hoặc nhiều gối...
(Theo tư vấn của TS. BS Phạm Hữu Lợi)

ĐAU CỔ VAI GÁY - KHÔNG CÒN LÀ CHUYỆN NHỎ

Bệnh đau vai gáy xuất hiện một cách thất thường, nhiều trường hợp bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vùng vai, gáy. Triệu chứng đau nhức vai, gáy kéo dài trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng...

 Bệnh đau vai gáy - Không còn là chuyện nhỏ
Đau vai gáy do bệnh lý và do thói quen xấu

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau vai, gáy như thoái hoá, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ với nhiều lý do khác nhau; do vẹo cổ bởi gối đầu cao, nằm sai tư thế hoặc vẹo cổ bẩm sinh; do dị tật; do viêm, chấn thương hoặc do các tác nhân cơ học như ngồi lâu, cúi lâu (đánh máy vi tính, công tác văn phòng... hoặc do mang vác nặng sai tư thế nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bến.

Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy có một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như thói quen ngồi lâu trước quạt, trước máy điều hoà nhiệt độ (máy lạnh), ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy...

Thời điểm xuất hiện đau vai gáy

Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản hoặc soạn giáo án (các thầy cô giáo) trong một thời gian dài trong một buổi hoặc trong một ngày và có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng...

Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay cho nên khi làm các động tác dùng một hoặc hai tay nâng đỡ hoặc khi lái xe (xe máy, xe ôtô) phải làm động tác đổi tay cầm lái vì tay kia bị mỏi, nặng rất khó chịu. Cũng có tác giả cho rằng có một tỷ lệ nhất định nào đó do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người, thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép.

Nói chung, bệnh đau vai gáy là một loại bệnh gặp tỷ lệ khá cao, chủ yếu ở người trưởng thành hoặc gặp ở những đối tượng mang tính chất nghề nghiệp và nhất là người cao tuổi.

Có thể tự chẩn đoán đau vai gáy?

Một số trường hợp có thể tự chẩn đoán cho mình bị đau vai gáy với nguyên nhân gì, ví dụ nằm ngủ gối đầu cao, sáng dậy bị vẹo cổ, đau vai, mỏi tay hoặc do nằm sai tư thế kéo dài nhiều giờ như nằm co quắp, gối đầu cao hoặc tư thế nằm nghiêng sang một bên. Đa số các trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc có nhiều nguyên nhân làm lẫn lộn không biết nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây nên đau vai, gáy thì cần đi khám bệnh.

Tại cơ sở y tế có điều kiện ngoài thăm khám, hỏi bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định chụp Xquang đốt sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hoá máu nếu có bệnh liên quan đến tim mạch...

Loại trừ nguyên nhân - bảo bối khắc phục đau vai gáy

Cần khắc phục nguyên nhân gây ra đau vai gáy mà chính bản thân người bệnh biết được lý do gây ra đau vai gáy là điều quan trọng, ví dụ như không đọc sách, đọc truyện kéo dài nhiều thời gian trong một buổi, trong một ngày; không nằm kê đầu bằng gối cao cả tư thế nằm ngửa, cả tư thế nằm nghiêng.

Một số nghề nghiệp không thể không ngồi lâu trong một thời gian dài như đánh máy, lái xe đường dài, công tác văn phòng thì cố gắng nghỉ giải lao giữa giờ làm việc và tập cúi xuống, đứng lên hoặc quay đầu, xoay cổ nhẹ nhàng trong vòng từ 10 - 15 phút sau vài giờ đã làm việc liên tục.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đã được bác sĩ khám và xác định thoái hoá đốt sống cổ gây xơ cứng đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thì không nên xoay cổ, vặn cổ hoặc xoay lưng mạnh, nếu làm như vậy thì sẽ "lợi bất cập hại".

Xoa bóp, bấm huyệt đúng cách, đúng chuyên môn và thực hiện đều đặn hàng ngày cũng có thể đem lại hiệụ quả nhất định kết hợp với điều trị thuốc. Điều trị thuốc gì cần có ý kiến của bác sĩ, không nên tự mua thuốc điều trị và theo mách bảo.

Hiện nay, khoa học ngày càng phát triển cho nên về Tây y có những loại thuốc dùng điều trị về bệnh khớp nói chung và bệnh thoái hoá khớp nói riêng khá hiệu nghiệm. Thuốc vừa điều trị giảm đau vừa điều trị phục hồi dần các tổn thương của khớp mà ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hoá của người bệnh.

Người ta cũng khuyên nên bỏ dần thói quen ngồi trước máy điều hoà nhiệt độ (máy lạnh) nhiều giờ; khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón để che nắng mỗi khi có ánh nắng mặt trời. Những người nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần bỏ thuốc vì chất độc trong thuốc lào, thuốc lá cũng đóng góp đáng kể trong bệnh gây thoái hoá khớp. Muốn không để xảy ra bệnh đau vai gáy nên tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, đúng bài, sinh hoạt điều độ và luôn nghĩ sức khoẻ là điều quý giá hơn bất cứ thứ gì có ở trên đời này.


XỬ TRÍ KHI BỊ ĐAU CỔ VAI GÁY


Đau cổ vai gáy là biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác nhau như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai đôi, hẹp khe liên kết... Sau đây là một vài động tác đơn giản mà bạn có thể áp dụng làm giảm chứng bệnh này

Hình minh họa

Xoa cổ gáy

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người, úp hai lòng bàn tay lên gáy sát theo chiều ngang của gáy từ trái sang phải và ngược lại, từ trên xuống dưới.
Kế tiếp để 4 đầu ngón tay để lên chính giữa chỗ hõm sau gáy (huyệt phong phủ) day nhẹ dọc cột sống cổ từ trên xuống dưới theo vòng xoáy chôn ốc từ 20 - 30 lần.
Tiếp theo, chuyển tay sang sườn gáy cũng làm động tác trên từ huyệt phong trì xuống dưới bờ vai cả hai bên từ 20 - 30 lần. Có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp để tăng hiệu quả.

Vận động
Động tác 1: Vận động cổ
Bệnh nhân ngồi thả lỏng người trên ghế đỉnh đầu và mặt ghế tạo thành góc vuông 90 độ, nhẹ nhàng cúi đầu thật từ từ đến khi cằm chạm sát thành ngực thì dừng lại, giữ nguyên 1 - 3 phút để cho nhóm cơ cổ gáy giãn ra. Sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu. 

Tiếp theo đưa đầu ngửa ra sau gáy đến khi ụ chẩm gần sát vai lưng khi không ngửa được nữa giữ nguyên trong 1 - 3 phút và sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu.

Kế tiếp làm động tác nhẹ nhàng từ từ như trên đối với nghiêng trái nghiêng phải, đối với nghiêng trái nghiêng phải thì má phải sát với bờ vai.
Mỗi động tác trên mới làm có thể tập 5 - 10 lần sau tăng lên, ngày có thể làm hai lần sáng ngủ dậy và trước khi ngủ.
Động tác này có tác dụng làm giãn tất cả các nhóm cơ cột sống cổ một cách từ từ, ở mức tối đa giúp giải phóng sự chèn ép, lưu thông máu tăng cường dinh dưỡng nuôi cột sống cổ.

Động tác 2: Ưỡn cổ
Nằm ngửa thẳng trên giường cứng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.
Hít vào tối đa cho bụng ngực căng lên, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để (bụng ngực xẹp xuống). Hạ vai rồi nghỉ.
Động tác có vai trò giãn cơ, tăng độ dẻo và mềm mại cột sống cổ, vai đồng thời tăng cường ôxy nuôi tổ chức tế bào nhất là tim, phổi và não...

Động tác 3:
Nằm ngửa thả lỏng người tối đa trên một mặt phẳng cứng, đầu không gối hai tay buông lỏng theo thân trong 10 - 15 phút.
Cố định ụ chẩm và gót chân đồng thời rướn và co người về phía trước, giữ ở tư thế này 1 - 2 phút để cột sống cổ kéo giãn tự nhiên, phòng trị co cơ, hẹp khe liên kết, thúc đẩy tuần hoàn đốt sống cổ.

Động tác 4:
Nằm úp mặt thả lỏng người hai tay xuôi theo cơ thể, bàn chân duỗi tối đa, lấy cằm là điểm đỡ chính cho đầu, nằm trong tư thế này 10 - 15 phút.
Động tác này có tác dụng giãn cơ, lưu thông tuần hoàn vùng cổ gáy, tạo đường cong sinh lý trở lại cho cột sống cổ.
Chú ý:
Ở tất cả các động tác phải làm chậm, nhẹ nhàng, kiên trì hằng ngày. Không được làm nhanh mạnh cho xong việc dễ gây phản ứng trái ngược.
Khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy luôn giữ tư thế của người đánh đàn piano, ngủ không nên gối đầu cao, nằm co quắp sai tư thế...

21 thg 8, 2013

ĐAU ĐÂU CHÍCH ĐÓ CÀNG ĐAU

Thấy chỉ cần vài mũi thuốc chích trực tiếp vào chỗ đau là cơn đau tan biến, nhiều người đâm ra “nghiện” chích mỗi khi đau! Thế nhưng, nguy hại của việc tiêm chích này thật khó lường dù báo chí không ít lần cảnh báo.


Anh N.V.C. (ở Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là nhân viên văn phòng, làm việc thường xuyên trên máy tính nên ngón tay trỏ cầm chuột (máy tính) bị đau khi co duỗi. Đi tìm chỗ khám bệnh ngoài giờ, anh thấy phòng mạch tư của một bác sĩ đề bảng: chuyên khoa xương khớp, thần kinh... (trên đường 30-4, Q.Ninh Kiều) nên vào khám. Bác sĩ này cho biết anh bị viêm khớp tay và chích ngay hai mũi vào chỗ tay đau và mông, hẹn lần sau chích tiếp.

Hết đau tức khắc, biến chứng lâu dài

Về nhà anh C. thấy bớt đau khi co duỗi, tuy nhiên anh sợ việc chích trực tiếp vào vị trí đau nên hỏi thăm một số bác sĩ thì họ cảnh báo có thể anh đã bị chích corticoid. Đi khám một phòng khám đa khoa khác, bác sĩ nói anh bị chứng viêm gân gấp do sử dụng ngón này thường xuyên và kê thuốc uống, khuyên anh về nhà tập ngón tay. Bác sĩ cảnh báo bệnh này không nên chích giảm đau tại chỗ dù giảm đau nhanh nhưng sau đó để lại biến chứng.

Gần đây ở Cần Thơ, nhiều bệnh nhân bị bệnh xương khớp, đau nhức thường đến một số phòng mạch tư chích thuốc điều trị, sau khi khám và chích ở các phòng mạch này, người bệnh cảm thấy có hiệu quả ngay. Do hết đau, ăn được ngủ được nên nhiều người bệnh đồn bác sĩ giỏi và truyền miệng nhau. Có người đi chích nhiều lần thành “nghiện”, không đi không chịu được.

Như trường hợp bà N.T.M. (84 tuổi, ở huyện Thới Lai) bị gãy cổ xương đùi đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Qua ghi nhận của bác sĩ, khuôn mặt bà M. tròn, da mỏng tang, tay chân teo, có nhiều vết bầm do xuất huyết, bể mạch máu, đồng thời tụ mỡ ở vùng ngực và bụng, cơ thể không cân đối, vận động khó khăn, tay chân rất yếu. Theo bác sĩ Võ Văn Dành, khoa ngoại - chấn thương Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bà M. là một trong những bệnh nhân sử dụng thuốc corticoid thời gian dài, bị nhiễm trùng sau khi tiêm corticoid trực tiếp vào vùng háng phải để trị đau do thoái hóa khớp háng.

Người nhà cho biết mỗi khi bà M. đau nhức xương khớp thường mua thuốc uống hoặc tiêm thuốc ở phòng mạch tư. Mỗi lần uống thuốc vào lại thấy khỏe trong người, hết mệt, ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc, nên khi bị đau bà M. tìm đến bác sĩ tiêm thuốc cho khỏe, dẫn đến lạm dụng và nghiện chích thuốc.

Một bệnh nhân khác từng gặp biến chứng nguy hiểm sau vài lần đến phòng mạch tư của một bác sĩ điều trị bệnh lý viêm thần kinh tọa. Đó là bệnh nhân Đ.T.T. (43 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), bà cho biết nghe người quen giới thiệu đi điều trị một bác sĩ tư ở Cần Thơ mau hết bệnh, về ăn ngon ngủ ngon, không còn đau nhức nên tìm đến. Tại đây bác sĩ khám và chích thuốc vào chỗ đau ở gót chân, về thấy bớt đau nên tiếp tục đi, đến lần tiêm thứ ba (ở cả hai gót chân) về nhà, bà T. đi lại thì nghe sụp chân và không di chuyển được. Nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bác sĩ cho biết bà bị đứt cả hai gân gót chân, phải phẫu thuật nối lại.

TRỊ BỆNH CỔ VAI GÁY BẰNG ĐÔNG Y

Đau vai gáy là 1 hội chứng do nhiều nguyên nhân, biểu hiện chung với 3 biểu hiện chính sau:
Đau đầu và vùng vai gáy, đỉnh chẩm, có thể đau trước trán, nhức hố mắt. 
CHỮA BỆNH CỔ VAI GÁY BẰNG ĐÔNG Y
Châm cứu giúp giảm triệu chứng đau

Đau hoặc tê cánh, cẳng, bàn ngón tay
Thiểu năng tuần hoàn não: Đau đầu, hay quên gần nhớ xa, dễ xúc động, khó dỗ ngủ, ngày hay ngủ gà, giấc ngủ không sâu, tư duy kém...

Nguyên nhân thường gặp xếp từ trên xuống:
Co cứng cơ vai gáy do lạnh, do sang chấn biểu hiện cấp tính.
Viêm khớp mỏm móc đốt cổ.
Thoái hóa đốt cổ, nhất là cổ 6 và cổ 5, chú ý nếu tổn thương từ cổ 4 trở xuống đến ngực I triệu chứng chủ đạo đau vai gáy, tê đau tay, từ cổ 3 trở lên đau vùng chẩm gáy, đau đầu. Từ cổ 6 trở lên có thể biểu hiện cả hội chứng thần kinh cổ-cánh tay và thiểu năng tuần hoàn não.
Xơ hóa cơ vai gáy, vôi hóa cơ vai gáy
Thoát vị đĩa đệm đốt cổ.
Lao đốt cổ, ưng thư...hiếm gặp.

Triệu chứng đợt cấp (Toocticolis): Sáng dậy tự nhiên thấy đau gáy vai, khó ngồi dậy, thậm chí không ngồi được; Mặt vênh cổ cứng, xoay người phải xoay cả nửa thân trên.

Triệu chứng đau vai gáy mạn tính: Đau tái phát nhiều lần, mỏi đau khu gáy thường xuyên, tê đau tay, đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não, giảm sút khả năng tư duy, quên gần nhớ xa, cốt hóa nhân cách...

Điều trị đợt cấp: Thuốc nhằm giãn cơ Decontratyl 6 viên x 3 lần/24h x 5 ngày; Giảm đau có thể dùng Prodafalgan tiêm bắp mỗi ngày 2 mũi sáng tối,và/hoặc Visceralgin 4 viên/24h x 2 lần, và/hoặc Felden tiêm.

Lấy chỗ đau nhất làm huyệt để châm cứu, châm thêm phong trì, ế minh, đại chùy, đại trữ, thượng lạc chẩm, thiên tông, kiên tỉnh, phế du, đốc du, huyền chung, hậu khê cùng bên đau.
Bấm bật huyệt quang minh 2, thượng lạc chẩm, xoa bóp khối cơ vai gáy bằng các thủ thuật sau:
xoa bóp day lăn
Bấm điểm hợp phân
Rung vê vờn chặt
véo ấn miết xát
Đấm phát vận động
Mỗi ngày xoa bóp 1-2 lần bằng cồn xoa bóp saman pharm.
Chưa cần dùng thuốc Đông y.
Điều trị đau vai gáy mạn tính:
Tiêm Hydrocooctisone 125mg x 5ml vào các đốt cổ thoái biến đau có chỉ điểm của Xquang, kỹ thuật tiêm như sau: Bệnh nhân ngồi gục đầu trên bàn có đệm gối, thầy thuốc đứng chính giữa vào khoảng vai phải bệnh nhân. Sát trùng vùng gáy bằng povidon Iodine, xác định điểm đau trên các đốt cổ. Tay phải cầm xy lanh đã hút thuốc như thể cầm bút lông, tay trái làm thủ thuật căng da bệnh nhân.
Đặt mũi kim vào chỗ đau nhất, đâm kim qua da, hướng kim nghiêng 450 từ trên chếch xuống dưới. Khi có cảm giác kim đi qua 1 khối cơ dày, cứng, tay bị "sụt", "hẫng" thì tiến hành bơm vào 1,7 ml thuốc. Tiêm liền 3 điểm như thế cho 1 lần điều trị/ 5 ngày x 3-5 lần. Không nên hơn. Sát trùng kỹ và băng vô khuẩn sau tiêm, dán băng dính 6h.
Thuốc uống:

Bài quyên tý thang gia vị như sau

Cam thảo, hoàng kỳ, đương quy, xích thược, nghệ vàng, khương hoạt, gừng tươi, phòng phong, đại táo, rễ dây gắm, uy linh tiên, mộc thông đỏ, quế chi mỗi vị 8-12g x 15 thang, sắc uống mỗi thang hằng ngày.
Khắc phục thiểu năng tuần hoàn não tạm thời bằng xinarizine, nootropin, duxil, cavinton...
Xoa bóp bằng các thủ thuật trên hằng ngày x 15 ngày.
Tập cúi ngửa nghiêng quay các đốt cổ.
Trường hợp nặng có thể dùng thêm 50g-100g cao hổ cốt.

XỬ TRÍ VỚI BỆNH ĐAU VAI GÁY

Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng... Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây đau?

<<http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Bệnh hay gặp từ tuổi trung niên khi cơ thể, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính...; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau... Hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.

Cần xác định chứng bệnh qua phim chụp Xquang cột sống cổ tư thế chếch trước trái và chếch trước phải xem có hình ảnh gai xương hay thu hẹp lỗ tiếp hợp gây ra đau.

Làm giảm chất lượng sống

Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có cảm giác nhức nhối như bị điện giật. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên, sau một thời gian, người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt.

Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp Xquang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.

Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém... ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.

Chữa trị có khó không?

Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Tùy theo từng nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên. Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng, không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống...

Nên tập luyện để phòng tránh

Để phòng đau cổ, vai, cần ngồi, đứng, ngủ sinh hoạt... đúng tư thế. Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu; không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.

Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc. Nhiều người cho rằng làm thế sẽ đỡ nhức mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng; Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.

Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hỗ trợ trực tuyến