15 thg 7, 2012

CHỮA BỆNH CỔ VAI GÁY BẰNG ĐÔNG Y

Những cơn đau dù khó chịu hay thoáng qua của chứng đau vai gáy đều gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh . Trị liệu bệnh đau vai gáy bằng xoa bóp, bấm huyệt theo phương pháp Đông Y vẫn được coi là phương pháp điều trị hiệu quả
CHỮA BỆNH CỔ VAI GÁY BẰNG ĐÔNG Y
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp hiệu quả

Nguyên nhân 


Đau vai gáy do tư thế thường gặp ở những người lao động mà công việc bắt buộc phải cúi đầu liên tục như thợ thêu, thợ may, làm việc với máy vi tính, học sinh, tài xế lái xe… hay những nghề buộc phải ưỡn cổ quá mức như thợ mỏ, thợ nề, thợ quét vôi… Trường hợp nằm ngủ kê gối cao hoặc ngồi ngủ trên ghế tựa nghiêng đầu cũng là nguyên nhân thường gặp. Cơ chế đau chủ yếu là do rối loạn trương lực cơ và căng kéo dây chằng.

Vị trí đau thường là từ cổ gáy đến vai, đau một bên, có khi lan lên mang tai, thái dương hoặc xuống tay. Đau có thể khởi phát đột ngột sau khi ngủ dậy, sau khi làm việc ở một tư thế liên tục. Đau có thể làm hạn chế cử động cổ, khó quay đầu sang bên, sờ nắn thường đau nhiều hơn. Đau có thể tăng khi gặp lạnh, khi đứng, đi, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ, giảm khi nghỉ ngơi.

Y học cổ truyền quan niệm thống tức là đau do khí huyết không thông; kiên tức là vùng vai; bối là vùng lưng. Đau từ cổ đến vai gáy được Y học cổ truyền quan niệm thuộc chứng Kiên bối thống.

Khi cổ gáy ở tư thế sai, các kinh lạc đi qua vùng cổ gáy thường là các kinh dương, nơi có huyệt Đại chùy, hội của các kinh Dương bị tắc trở, khí huyết không lưu thông dẫn đến đau vùng cổ gáy.

Đau vai gáy cấp tính biểu hiện:

Đau, mỏi vai gáy, cơ cổ co cứng, đầu cúi hoặc nghiêng sang một bên đều khó, không thể xoay tròn một cách tự do, muốn nhìn ra phía sau thì phải xoay toàn thân, khi cố gắng cúi xuống thì cơn đau mạnh lên và lan rộng, gặp lạnh thì càng đau nặng.

Đau vai gáy mạn tính biểu hiện:

Đau đầu, vùng vai và vùng sau gáy thường xuyên. Cơn đau có thể lan xuống hai bả vai gây cảm giác mỏi, tê dại hai cánh tay, cẳng tay hoặc cả bàn ngón tay. Người mắc bệnh lâu ngày có các biến chứng thiểu năng tuần hoàn não: Hay bị nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt nhìn mờ như ruồi bay, hay quên, dễ xúc động, mất ngủ, giấc ngủ không sâu, tư duy kém

Trị liệu đau vai gáy bằng xoa bóp, bấm huyệt 


Châm cứu và xoa bóp là phương pháp điều trị của Y học cổ truyền dân tộc không cần dùng thuốc, dễ học dễ làm, có thể thực hiện ngay tại các tuyến y tế cơ sở, mọi cán bộ y tế hoặc những ai say mê đều có thể học và làm được. Sau đây là những thao tác cơ bản:

- Bệnh nhân ngồi trên ghế, thả lỏng cơ, thầy thuốc đứng và làm lần lượt các động tác sau: xoa, day, lăn, bóp từ vùng bả vai qua huyệt kiên tỉnh đến đại trùy và lên huyệt phong trì. Từ huyệt đốc du lên huyệt phong trì, mỗi động tác làm từ 3-5 lần.

- Bấm và day các huyệt phong trì, đại trùy, phong môn, kiên tỉnh, đốc du (vừa bấm vừa vận động cổ quay sang phải và sang trái). Riêng huyệt bá lao khi bấm thì không vận động cổ.

- Khi xoa bóp nếu kết hợp xoa thêm dầu gió hoặc cao sao vàng thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn.

- Kiểm tra cơ ở vùng huyệt đốc du nếu thấy co cứng thì ta bấm, bật cơ, day nhẹ thì bệnh nhân sẽ đỡ đau và vận động cổ gáy dễ dàng ngay.

- Khi vận động cổ bệnh nhân: thầy thuốc nắm một bàn tay kê ngang cổ bệnh nhân làm điểm tựa, còn tay kia của thầy thuốc điều khiển cổ bệnh nhân nghiêng sang phải, sang trái, cúi cổ và ngửa cổ.

Lưu ý:

- Đối với những bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên do mật độ khoáng chất của xương giảm dần nên cần cho đo kiểm tra mật độ khoáng chất xương trước khi làm xoa bóp.

- Với những trường hợp bệnh nhân bị đau vai gáy mạn tính thì cần cho chụp film X-quang phổi để loại trừ các bệnh lý ở phổi và bệnh lý ở trung thất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hỗ trợ trực tuyến