2 thg 8, 2013

AI DỄ BỊ CHÈN ÉP ĐỐT SỐNG CỔ


Sơ đồ thần kinh ở cổ chi phối chi trên.
Tủy sống cổ có thể bị chèn ép do các loại bệnh lý khác nhau gây tổn thương tủy sống mạn tính. Bệnh gây tê các ngón tay, mất các cử động khéo léo của bàn và ngón tay, nặng hơn là liệt vận động tứ chi, rối loạn tiểu tiện, đại tiện…ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đối tượng nguy cơ dễ bị chèn ép đốt sống cổ

Những người bị các bệnh ở cột sống cổ dễ bị chèn ép đốt sống cổ với nguyên nhân thường gặp nhiều ít theo thứ tự như sau: thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ, cốt hóa dây chằng dọc sau, cốt hóa dây chằng vàng. Bệnh nhân bị bướu ống sống, cột sống cổ hẹp di động nhiều cũng là các nguyên nhân gây chèn ép tủy sống cổ. Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 – 50. Thoái hóa đĩa đệm thường gặp trong độ tuổi cao hơn là từ 50 – 60 tuổi. Cốt hóa dây chằng dọc sau hoặc dây chằng vàng gặp ít hơn ở những người trên 50 tuổi, trong đó có người chỉ bị một bệnh, nhưng cũng có người bị nhiều bệnh phối hợp cùng lúc mà gây chèn ép đốt sống cổ. Tuy nhiên, có nhiều người dù được phát hiện trên phim chụp Xquang hay chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) bị các tổn thương nói trên nhưng họ vẫn không bị chèn ép đốt sống cổ.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Một người bị chèn ép đốt sống cổ thường thấy các dấu hiệu như sau: tê các ngón tay, trong đó hay gặp lần lượt là: bị tê hai ngón thứ tư và thứ năm; tê ba ngón: cái, trỏ, giữa; tê cả năm ngón của bàn tay. Biểu hiện tê thường thấy ở cả ngón tay phía mu tay và phía lòng bàn tay. Bệnh nhân thường mô tả triệu chứng là tê từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và đến các ngón tay; tê thân mình; tê cẳng bàn chân; mất cử động khéo léo các ngón tay như khó cầm đũa gắp thức ăn; lúc đầu cầm muỗng dễ hơn cầm đũa nhưng dần dần cũng khó khăn; chữ ký hay chữ viết xấu dần; trở nên vụng về khi cài cúc áo, sau đó cài cúc áo rất khó khăn. Về vận động: bệnh nhân thấy cánh tay, cẳng tay, bàn tay yếu dần với biểu hiện không cầm nắm được đồ vật, khó cử động cổ tay, khó sấp ngửa cẳng tay, gập duỗi cẳng tay yếu dần; bắt tay người khác lỏng lẻo... Các triệu chứng này do liệt vận động một phần ở cả hai tay. Bệnh nhân có dáng đi kiểu co giật do liệt vận động hai chân: hai chân yếu dần, đi lại khó khăn hơn trên đường bằng phẳng; khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân không thể lên xuống cầu thang một mình, không đi xa được. Cuối cùng, bệnh nhân bị rối loạn đại tiện, rối loạn tiểu tiện mà nặng nhất là bí tiểu. Bác sĩ khám thấy rõ các triệu chứng trên, phát hiện được các hội chứng tháp tứ chi với các dấu hiệu Hoffmann, Babinski dương tính, tăng phản xạ gối, gót. Chẩn đoán hình ảnh như Xquang, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ thấy các tổn thương bệnh lý ở cột sống cổ.

Vấn đề điều trị và phòng bệnh

Một bệnh nhân được phát hiện bệnh lý chèn ép tủy không phải lúc nào cũng phải phẫu thuật. Nếu bệnh nhân có tê nhẹ, các triệu chứng liệt vận động chưa xuất hiện, tủy sống trong giai đoạn sớm bị kích thích thì phải cẩn thận trong chỉ định mổ. Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn như tập các bài tập tránh tư thế sai, tránh kéo tạ cổ, tránh tập mạnh cổ, tránh cúi xoay cổ hay ngửa xoay cổ, tránh ngửa cổ quá mức…

Bệnh nhân có thể được hướng dẫn tập cơ vùng cổ nhẹ nhàng với sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng. Phẫu thuật điều trị được chỉ định trong các trường hợp: có các triệu chứng liệt vận động, nhất là khi thấy có chèn ép trung tâm, bệnh lý tủy sống cổ mạn tính kèm theo các bệnh nặng khác của tuổi già. Phẫu thuật thường làm là: cắt đĩa sống và hàn liên thân đốt bằng xương ghép, bằng nêm nhựa tổng hợp kèm theo nẹp kim loại cố định vững cột sống cổ. Nẹp kim loại được dùng để hàn xương sống cổ để tránh khớp giả, tái phát.
  

Hình ảnh thoái hóa đĩa đệm cổ 4, cổ 5.

So với phẫu thuật tạo hình bảng sống theo phương pháp Nhật Bản Kurokawa hay Itoh, phẫu thuật tạo hình bảng sống kiểu Việt Nam (phẫu thuật VVT) được áp dụng từ hơn nhiều năm nay có kết quả tương đương nhưng có ưu điểm là ít hay không có biến chứng đau cổ hay mỏi cổ như hai phẫu thuật trên do ít tàn phá mô mềm và xương hơn.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả: thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện và điều trị tích cực các bệnh gây tổn thương đốt sống cổ như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, cốt hóa dây chằng dọc sau và dây chằng vàng. Việc tầm soát bệnh cần thực hiện chặt chẽ đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Đối với mọi người, cần tập thể dục đều đặn kết hợp với chế độ ăn tăng cường các loại thức ăn chứa nhiều chất canxi như tôm, cua, cá, xương hầm nhừ… để phòng tránh bệnh loãng xương. Những người lao động cần tránh dùng đầu đội nặng để bảo vệ cột sống cổ, tránh các nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, tổn thương đốt sống cổ.

CẢNH GIÁC VỚI CHẤN THƯƠNG CƠ HOÀNH

>>http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Một chấn thương ở vùng ngực, bụng có thể dẫn đến thủng, vỡ, thoát vị cơ hoành. Chấn thương có thể gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau... Sắp đến các dịp nghỉ lễ, Tết, số người tham gia giao thông tăng cao, mọi người cần cảnh giác đề phòng tai nạn giao thông gây chấn thương cơ hoành, đồng thời phải nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời.

Thủng cơ hoành do vết thương

Vết thương vào lồng ngực từ liên sườn IV trở xuống đều có thể gây thủng cơ hoành và tạo nên vết thương ngực - bụng; nếu lỗ vết thương có đường kính lớn hơn 1,5cm thì các tạng trong ổ bụng có thể chui qua lỗ vết thương lên khoang màng phổi.


Một bệnh nhân bị thủng cơ hoành có thể thấy các dấu hiệu: đau vùng mũi ức; vết thương ngực - bụng gây thủng cơ hoành có thể thấy dịch tiêu hóa, dịch mật, mạc nối, quai ruột... ở lỗ vết thương thành ngực; khi các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ thủng cơ hoành vào lồng ngực gây chèn ép các tạng trong lồng ngực, có thể bị ngạt thở cấp, tím tái, loạn nhịp tim... kèm theo có thể có các triệu chứng tắc ruột do bị nghẹt các quai ruột ở lỗ thủng cơ hoành nhiều trường hợp các triệu chứng thường không rõ ràng, chẩn đoán cần dựa vào phán đoán đường đi của vết thương.

Vấn đề cơ bản trong vết thương cơ hoành là có tổn thương cả ở ngực và ở bụng, trong đó các tổn thương ở bụng thường là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Vì vậy, thường chỉ định mở ổ bụng thăm dò, xử lý các tổn thương trong ổ bụng, đồng thời khâu đóng lại lỗ thủng cơ hoành. Trường hợp mở ổ bụng thăm dò khi nghi vết thương ngực - bụng, cần phải gây mê nội khí quản để tránh biến chứng phổi bị ép do không khí tràn vào màng phổi qua lỗ thủng cơ hoành khi mở bụng.

Vỡ cơ hoành

Có thể gặp vỡ cơ hoành trong chấn thương bụng kín, thường phải là một chấn thương mạnh làm áp lực ổ bụng tăng cao đột ngột, vòm hoành bị căng lên và vỡ. Thường thấy vỡ cơ hoành bên trái, cơ hoành bên phải ít bị vỡ do được gan che chở. Chấn thương ngực kín cũng có thể gây vỡ cơ hoành nhưng ít gặp hơn. Qua chỗ rách cơ hoành, các tạng trong ổ bụng có thể chui lên lồng ngực ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian, gây nên thoát vị cơ hoành do chấn thương. Do rách cơ hoành thường xảy ra sau một chấn thương mạnh nên nó thường kèm theo nhiều tổn thương khác ở ổ bụng và lồng ngực, làm cho việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Sơ đồ vị trí giải phẫu cơ hoành.

Triệu chứng rách cơ hoành thường rất khó được chẩn đoán xác định ngay từ đầu, phần lớn là được phát hiện ra khi mổ cấp cứu để xử trí các tổn thương ở bụng hoặc ở ngực. Khi có các tạng ổ bụng chui qua lỗ rách cơ hoành vào lồng ngực, có thể thấy các triệu chứng chèn ép trung thất như: khó thở, đau tức bên vùng ngực tổn thương, loạn nhịp tim, tím tái, sốc... Có thể có triệu chứng tắc ruột do quai ruột bị nghẹt ở vết rách cơ hoành khi chúng chui vào lồng ngực. Chụp phim Xquang dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định tạng chui vào lồng ngực, có thể bơm khí ổ bụng để chụp sẽ thấy khí tràn vào khoang màng phổi.

Mọi trường hợp rách cơ hoành đều phải mổ, khâu vết rách cơ hoành. Nếu vết rách rộng có thể phải vá lại bằng các vật liệu nhân tạo. Trường hợp nghi ngờ có tổn thương ổ bụng thì phải mở ổ bụng để xử trí các tổn thương, đồng thời khâu lại vết rách cơ hoành. Nếu chỉ rách cơ hoành đơn thuần thì có thể mở ngực để khâu vết rách vì dễ khâu hơn so với mổ đường bụng.

Thoát vị cơ hoành
Là sự di chuyển của các tạng ở ổ bụng lên lồng ngực qua lỗ thoát vị ở cơ hoành. Thoát vị cơ hoành do chấn thương: có thể xảy ra ngay sau chấn thương, nhưng thường sau chấn thương một thời gian. Lúc đầu chỗ tổn thương có thể còn nhỏ nên chưa có thoát vị, sau đó do các tạng trong ổ bụng liên tục thúc vào làm giãn rộng dần chỗ tổn thương và qua đó các tạng chui vào lồng ngực, tạo thành thoát vị. Thường gặp thoát vị cơ hoành bên trái vì bên phải được gan che chở. Tạng thoát vị có thể là dạ dày, đại tràng, mạc nối, tiểu tràng, lách, gan... Tạng thoát vị thường dính chặt vào lỗ thoát vị và các cơ quan trong lồng ngực như màng tim, màng phổi...

Triệu chứng điển hình thường là đau vùng thượng vị hoặc đau một bên ngực lan lên vùng bả vai cùng bên; có tiếng nhu động ruột ở cao trên lồng ngực; có thể có triệu chứng tắc ruột do ruột bị nghẹt ở lỗ thoát vị. Chụp Xquang thường có thể thấy bóng hơi dạ dày lên cao trên lồng ngực, hoặc các khoang nhỏ có mức hơi mức nước trên nền vân phổi do các quai ruột thoát vị lên lồng ngực. Khi cần có thể chụp dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định chính xác các tạng thoát vị lên lồng ngực. Triệu chứng về tuần hoàn và hô hấp: khó thở tăng lên khi nằm; có khi khó thở nặng, tím tái do thoát vị quá lớn gây chèn ép nặng trung thất, tim và phổi; tim bị đẩy sang bên lành.

Cần chỉ định mổ sớm, nếu thoát vị cơ hoành sau chấn thương đã lâu thì nên mổ theo đường ngực để thuận tiện cho việc gỡ dính các tạng thoát vị và tái tạo cơ hoành. Nếu là thoát vị mới thì có thể mổ theo đường bụng vì các tạng thoát vị còn chưa bị dính nhiều, dễ di động và đưa trở lại ổ bụng. Gây mê nội khí quản để dễ dàng đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, khâu lại lỗ thoát vị bằng chỉ không tiêu. Nếu lỗ thoát vị quá lớn thì phải thực hiện phẫu thuật tạo hình lại cơ hoành.

XOA BÓP TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI

 Bấm huyệt kiên tỉnh




Viêm quanh khớp vai Ðông y gọi là kiên tỷ thống. Nguyên nhân là do phong hàn thấp kết hợp với nhau làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau; do can thận quá hư tổn và bệnh nội thương làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày sinh bệnh.

Người bệnh có biểu hiện đau vùng vai và hạn chế vận động vùng khớp vai, đặc biệt là khó nhấc tay lên cao, khó chải đầu, khó gãi được lưng, đau lan lên cổ, xuống cánh tay đau và tăng nhiều về đêm. Xin giới thiệu một số thủ pháp xoa bóp bấm huyệt góp phần giảm đau, phục hồi vận động cho khớp vai với những trường hợp viêm quanh khớp vai do lạnh, do thoái hóa đốt sống cổ nhưng chưa chèn ép thần kinh, do chấn thương vùng vai nhưng không tổn thương khớp.
 Vị trí huyệt tý nhu.


Người bệnh ngồi trên ghế tựa, người làm thủ thuật đứng bên cạnh, lần lượt làm các thao tác sau:

1. Xoa bóp, lăn, day vùng quanh khớp vai của người bệnh khoảng 5 - 10 phút để cho các cơ mềm ra.

2. Dùng ngón tay cái bấm mạnh huyệt kiên ngung của người bệnh và day khoảng 3 - 5 phút.

3. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên trinh của người bệnh khoảng 3 phút.

4. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên tỉnh của người bệnh khoảng 3 phút.

5. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt tý nhu của người bệnh khoảng 3 phút.

6. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt thủ tam lý của người bệnh trong khoảng 3 phút.

7. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt hợp cốc của người bệnh trong 3 phút.

8. Tay cái ấn vào điểm đau nhất của người bệnh với một lực mạnh thích hợp.

9. Một tay cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm cổ tay bệnh nhân quay vòng từ từ tăng dần từ nhẹ đến mạnh mỗi chiều khoảng 10 vòng.

10. Một tay cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm lấy cổ tay bệnh nhân vừa kéo dãn vừa rung trong khoảng vài chục giây, làm như vậy 3 lần.

11. Lấy hai bàn tay vò xát khớp vai người bệnh đến khi nóng lên là được.

12. Một tay nắm vào khớp vai của người bệnh, tay kia cầm cổ tay bên vai đau của người bệnh nâng về phía trước lên cao quá đầu rồi đưa về phía sau, hoặc đưa về phía ngực.

Lưu ý: Nên thực hiện đều đặn ngày 1 - 2 lần, trong 7 - 10 ngày. Khi xoa bóp, cần lưu ý tác động từ xa đến gần vùng đau, điểm đau, từ chậm đến nhanh, từ nông đến sâu, từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân chịu đựng được. Để phòng bệnh, cần tránh gió lạnh, ẩm thấp, khi ngủ nên đắp chăn cao quá vai. Hằng ngày, nên tăng cường tập luyện chức năng khớp vai như dang tay, giơ tay, khép tay, đưa tay ra trước và ra sau, quay tay. Nếu có bệnh lý ở khớp vai cần điều trị kịp thời.

Vị trí huyệt:

Kiên ngung: ở giữa mỏm cùng vai và mấu chuyển lớn xương cánh tay. Hoặc dang cánh tay thẳng huyệt ở chỗ lõm phía trước ngoài khớp, mỏm cùng - xương đòn.

Kiên trinh: khép cánh tay, huyệt ở trên điểm đầu sau nếp nách 2 tấc. Hoặc ở chỗ lõm ở đầu khớp vai khi dang tay ra.

Kiên tỉnh: ở điểm giữa đường nối huyệt đại chùy (đốt sống cổ 7) và mỏm cùng vai.

Tý nhu: trên khuỷu tay 7 thốn. Huyệt ở đầu cuối của cơ tam giác cánh tay, trên đường nối huyệt khúc trì và kiên ngung.

Thủ tam lý: dưới huyệt khúc trì 2 tấc (dưới đầu vân ngang ngoài khuỷu tay 2 tấc).

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái.

CÁCH XỬ TRÍ VÙNG VIÊM VAI GÁY

Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng... Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây đau?

<<http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Bệnh hay gặp từ tuổi trung niên khi cơ thể, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính...; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau... Hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.

Cần xác định chứng bệnh qua phim chụp Xquang cột sống cổ tư thế chếch trước trái và chếch trước phải xem có hình ảnh gai xương hay thu hẹp lỗ tiếp hợp gây ra đau.

Làm giảm chất lượng sống

Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có cảm giác nhức nhối như bị điện giật. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên, sau một thời gian, người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt.

Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp Xquang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.

Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém... ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.

Chữa trị có khó không?

Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Tùy theo từng nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên. Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng, không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống...

Nên tập luyện để phòng tránh

Để phòng đau cổ, vai, cần ngồi, đứng, ngủ sinh hoạt... đúng tư thế. Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu; không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.

Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc. Nhiều người cho rằng làm thế sẽ đỡ nhức mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng; Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.

Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

DẤU HIỆU VÀ CÁCH CHỮA ĐAU THẦN KINH LIÊN SƯỜN


Đau thần kinh liên sườn là bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên như: chấn thương, vận động sai tư thế, cường độ quá mạnh, thoái hóa cột sống, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh... Nếu không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.


Nhiều bệnh gây đau thần kinh liên sườn

Có nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn: do thoái hóa cột sống, thường gặp ở người cao tuổi; do lao cột sống hay ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương; do bệnh lý tủy sống; do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn cấp và giai đoạn di chứng; đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm; do các bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh...


Các dấu hiệu phát hiện bệnh

Dấu hiệu để phát hiện bệnh đau thần kinh liên sườn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh kể trên. Đau do thoái hóa cột sống: gặp ở người cao tuổi, tính chất đau ê ẩm, không cấp tính kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách giữa cột sống 2-3cm), bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu. Đau do lao cột sống hay ung thư cột sống: gặp ở những người tuổi trung niên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Tính chất đau: đau chói cả hai bên sườn, có khi đau như đánh đai, như bó chặt lấy ngực hoặc bụng bệnh nhân. Ấn cột sống sẽ thấy điểm đau chói, bệnh nhân đau liên tục suốt ngày đêm, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động. Bệnh nhân có các triệu chứng nặng như hội chứng nhiễm độc lao: sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân...; có thể thấy biến dạng cột sống. Đau do bệnh lý tủy sống: triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn là dấu hiệu sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Tính chất đau: thường đau một bên, khu trú rõ, đau kiểu đánh đai ở một bên sườn. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng. Đau do chấn thương cột sống: xảy ra sau khi bệnh nhân bị chấn thương, chẳng hạn bị ngã, bị đánh, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vận động hoặc là động tác với cường độ quá mạnh. Đau do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn, giai đoạn cấp khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một vài ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước với xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu, bệnh nhân không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo hay sờ mó vào da. Có thể có sốt, mệt mỏi, khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo. Giai đoạn di chứng: bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi. Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân thấy đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, có thể đau một hoặc hai bên, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, đau âm ỉ cả ngày và đêm, đau khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Ấn vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt bệnh nhân thấy đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Đau do các bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh... Bệnh nhân có triệu chứng của các bệnh này trước, sau đó mới xuất hiện đau thần kinh liên sườn.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn thường được bệnh nhân mô tả là đau ngực, tức ngực, đau mạng sườn, là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực, lan theo mạng sườn ra phía sau ở cạnh cột sống. Có thể có điểm đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi thầy thuốc khám thăm khám. Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn như cúm, lao, thấp khớp, các bệnh phổi, màng phổi, tim, gan hay tổn thương ở đốt sống lưng như lao, ung thư, thoái hóa, u tủy...

Đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng của nhiều bệnh, do đó cần phải theo một trình tự chẩn đoán: phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh là nguyên nhân gây ra đau thần kinh liên sườn kết hợp với biểu hiện đau thần kinh liên sườn.

Điều trị và phòng bệnh

Việc điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn trước hết cần điều trị các bệnh là nguyên nhân gây đau. Nếu là đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, có thể điều trị như sau: dùng thuốc giảm đau paracetamol, diclofenac... Đối với bệnh zona gây ra đau liên sườn, nên cho bệnha nhân bôi kem acyclovir mỗi ngày 2-3 lần vào các mụn nước; dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần. Loại thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể phải dùng kéo dài vài tháng. Thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm... chỉ dùng khi đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Phong bế cạnh sống.
Phòng bệnh: cần khám, phát hiện và điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn nói trên. Tránh vận động sai tư thế hoặc quá mạnh. Chú ý phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.


CHỌN PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐỂ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG

Thoát vị đĩa đệm cột sống

Thoái hóa cột sống và thoái hóa đĩa đệm là sự thoái hóa có tính chất hệ thống các thành phần cấu tạo của cột sống như: nhân nhầy và vòng sợi đĩa đệm, dây chằng, các khớp nhỏ, mâm sụn và thân đốt sống. Tất cả diễn biến đó, trước tiên gây nên triệu chứng đau cột sống, dù là không có thoát vị đĩa đệm .


Thoát vị đĩa đệm là hậu quả của bệnh thoái hóa xương - sụn cột sống mà tổn thương sớm nhất diễn ra ở nhân nhầy đĩa đệm. Một số lớp của vòng sợi bị đứt, gãy, rách hoặc mất khả năng co giãn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân nhầy dịch chuyển khỏi vị trí sinh lý của nó. Sự dịch chuyển này có thể gây ra chèn ép bao màng cứng, chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép tủy. Có rất nhiều phương pháp trong điều trị thoát vị đĩa đệm.

Điều trị bảo tồn: hiểu rõ nguyên nhân và những biến đổi mô sinh học trong thoái hóa cột sống, chúng ta thấy việc điều trị bảo tồn và dự phòng các nguyên nhân trên là một điều không thể coi nhẹ, ngay cả một số bệnh nhân đã được can thiệp bằng ngoại khoa sang thương hoặc vi sang thương. Có thể nói, phần lớn các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ có thể điều trị ổn định bằng phương pháp bảo tồn. Tuy vậy, các phương pháp điều trị bảo tồn như: nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, dùng thuốc, châm cứu, thể dục, vật lý trị liệu, phong bế thần kinh, chích xơ, nắn bóp... không phải lúc nào cũng cho ta một kết quả mong muốn, đặc biệt là ở những bệnh nhân có thoái hóa cột sống nặng với các ổ thoát vị lớn gây hội chứng chèn ép tủy và chèn ép rễ thần kinh. Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, đó là lúc bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa. Trong can thiệp ngoại khoa, y học chia ra làm hai phương pháp: sang thương và vi sang thương.

Mổ hở: phương pháp kinh điển được thực hiện từ năm 1934 và đến nay vẫn được áp dụng nhiều, có chỉ định rộng rãi, ngoại trừ những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo mà trong mổ hở chống chỉ định, kể cả phần chống chỉ định trong gây mê. Phương pháp mổ hở cũng chứa nhiều rủi ro và biến chứng. Mổ hở sẽ phá hủy đi một phần cấu trúc bình thường của cột sống, làm yếu cột sống, sẹo sau phẫu thuật có thể gây co kéo dây thần kinh, nhiễm trùng vết mổ. Tâm lý của người bệnh thường là sợ phải phẫu thuật. Thật vậy, với thoát vị đĩa đêm cột sống cổ, không phải chỉ có bệnh nhân ngại phẫu thuật, mà ngay cả các phẫu thuật viên còn ít kinh nghiệm vẫn lo ngại trong quá trình thực hiện phẫu thuật có thể gây tổn thương động mạch cảnh gốc, tổn thương thực quản, khí quản, các biến chứng sau mổ như: nuốt khó, nói khàn do phù nề hoặc do co kéo thần kinh quặt ngược...

Các can thiệp vi sang thương: với sự phát triển khoa học trong lĩnh vực y tế, một loạt phương pháp can thiệp ít xâm lấn hay còn gọi là vi sang thương được áp dụng như: tiêu nhân nhầy bằng hóa dược; cắt hút đĩa đệm qua da; cắt bỏ đĩa đệm nội soi qua da; giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da; tiêu nhân nhầy bằng Ozon qua da; nhiệt điện trong đĩa đệm; tạo hình nhân tủy bằng sóng Radio.

Mỗi phương pháp can thiệp ngoại khoa vi sang thương cũng như mổ hở đều có những ưu thế và hạn chế của nó. Vấn đề là người thầy thuốc cần tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ ưu thế và hạn chế của mỗi phương pháp, giúp cho người bệnh có niềm tin vào phương pháp mà mình đã chọn.

Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da (viết tắt là PLDD, từ thuật ngữ tiếng Anh Percutaneous Laser Disc Decompression) là một phương pháp can thiệp vi sang thương được Choy và Ascher đề xuất và thực hiện đầu tiên vào năm 1986 tại Áo. Tiếp sau đó, nó đã được FDA của Mỹ cho phép thực hiện. Hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là Mỹ và các nước châu Âu, đã ứng dụng trên lâm sàng trong suốt 26 năm qua với những cải tiến mới về thiết bị và kỹ thuật. Tuy vậy, đối với thoát vị đĩa đệm, ưu tiên số 1 vẫn là điều trị bảo tồn. Khi điều trị bảo tồn không mang lại kết quả thì nên chuyển sang điều trị bằng phương pháp vi sang thương. Chọn phương pháp vi sang thương nào là tùy thuộc tình trang bệnh lý, khả năng trang thiết bị và trình độ kiến thức, tay nghề của mỗi phẫu thuật viên. Khi phương pháp điều trị bảo tồn hoặc một phương pháp vi sang thương nào như đã nêu trên không còn có chỉ định thì phẫu thuật mở lại là vị cứu tinh cho bệnh nhân.

- Thực hiện dưới gây tê tại chỗ.

- Hậu phẫu nhẹ nhàng.

- Độ an toàn cao, ít biến chứng (< 1% ).

- Bệnh nhân có thể ngoại trú, không cần lưu viện.

- Không tạo sẹo, không gây xơ dính thần kinh.

- Không làm yếu đi độ vững chắc của cột sống.

- Thời gian hạn chế vận động ngắn.

- Có thể làm bổ sung, nếu can thiệp lần thứ nhất chưa hiệu quả.

- Không cản trở phẫu thuật hở (nếu cần).

- Có thể cùng lúc thực hiện ở nhiều tầng, nhiều vị trí cách xa nhau.

- Có thể cùng lúc thực hiện ở cả lưng và cổ.

- Có thể thực hiện ở những bệnh nhân mà mổ hở trở ngại.

Sự thay đổi mô sinh học trong nhân nhầy và vòng sợi đĩa đệm sau khi laser tác động diễn ra một thời gian sau đó, từ hiệu ứng tức thì ngay trong những ngày đầu tiên đến sự biến đổi mô sinh học đĩa đệm diễn ra suốt từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 12. Ở thời điểm này, giới hạn các hốc do năng lượng laser tạo ra trong nhân nhầy không còn rõ nữa, trong hóc đã được phủ đầy bởi mô sụn và các hạt than do quá trình đốt cháy bởi năng laser đã biến mất. Sau 10 tháng, các thay đổi mô sinh học này mới thật sự ổn định. Sự biến đổi mô sinh học này giúp chúng ta hiểu được việc duy trì điều trị bảo tồn sau can thiệp PLDD là rất cần thiết. Theo ghi nhận của chúng tôi, phương pháp PLDD thường có kết quả ổn định sau 4 - 5 tháng, thời gian sau đó tính ổn định càng được tăng lên, điều này cũng tương đồng với sự thay đổi mô sinh học trong đĩa đệm sau quá trình tương tác của laser. Ở những bệnh nhân có kết quả kém (chiếm khoảng 15 - 20%), bệnh nhân được làm bổ sung một lần nữa mà không phải chi trả kinh phí cho thủ thuật.

Phòng chống thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ



Theo Đông y, bệnh thoái hóa đốt sống cổ là do phong hàn thấp bên ngoài xâm nhập vào làm cho khí huyết trong kinh lạc bị bế tắc gây ra đau, cử động khó khăn. Nếu không được chữa trị sẽ làm cho khí huyết bị ngưng trệ gây nên bệnh. Có một số bài thuốc có thể giúp phòng và trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

>>http://chuabenhcovaigay.blogspot.com

Bài 1: Cam thảo 6g, cát căn 15g, quế chi, bạch thược, đương quy, xuyên khung, thương truật, mộc qua mỗi vị đều 9g, tam thất 3g, sinh khương 3 lát, táo 3 quả. Cho các vị thuốc vào nồi đổ 400ml nước, nấu còn lại 150ml nước thuốc, cho nước ra, tiếp tục cho 300ml nước vào, nấu còn 100ml. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, khi còn ấm. Thích hợp cho bệnh nhân có biểu hiện gáy, vai và lưng đau, gáy cứng, có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ, cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức, thích ấm, sợ lạnh.


Bài 2: Đương quy, bạch thược, tỏa dương, tri mẫu, hoàng bá, quy bản, thỏ ty tử, kê huyết đằng mỗi loại đều 9g, ngưu tất, thục địa, đan sâm mỗi vị đều 12g. Cho các vị thuốc vào nồi đổ 4 bát con nước, nấu còn lại 1 bát, cho nước ra, tiếp tục cho 3 bát nước vào, nấu còn lại 1 bát. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với người có biểu hiện gáy, vai, lưng đau, có khi đau lan lên đầu, tay chân tê, mất cảm giác, thắt lưng đau, đầu gối mỏi, chóng mặt, hoa mắt, gò má hay đỏ, ra mồ hôi trộm, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng.

Bài 3: Cát cánh 6g, phục linh, trần bì, địa long mỗi loại đều 12g, tam thất 3g, đởm nam tinh, bán hạ, bạch giới tử, ngũ vị tử mỗi loại đều 10g . Cho các vị thuốc vào nồi đổ 400ml nước, nấu còn lại 150 ml nước thuốc, cho nước ra, tiếp tục cho 300ml nước vào, nấu còn 100ml. Hòa 2 nước, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với biểu hiện: đầu, gáy, vai, lưng đau; váng đầu, chóng mặt, đầu nặng, cơ thể nặng, lưỡi trắng nhạt.

Bài 4: Hoàng kỳ 18g, kê huyết đằng 15g, xích thược, bạch thược mỗi loại đều 12g, quế chi, cát căn mỗi loại đều 9g, sinh khương 6g, táo 4 quả. Cho các vị thuốc vào nồi cùng 4 bát con nước, nấu còn lại 1 bát, cho nước ra, tiếp tục cho 3 bát nước vào, nấu còn lại nửa bát. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với người có triệu chứng đau đầu, gáy khó cử động, gáy yếu, tay chân yếu, nhất là ở các đầu ngón tay, vai và tay tê, mệt mỏi, mất ngủ, hay mơ, tự ra mồ hôi, da mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch... cần đến thầy thuốc để bắt mạch kê đơn không tự ý sử dụng bài thuốc.

Ngoài ra, cần kết hợp với tập vận động cột sống cổ như: cúi cổ, quay cổ, nghiêng cổ sang trái rồi sang phải, mỗi bên 10 lần sao cho tai áp sát vai càng nhiều càng tốt, chú ý phải giữ cột sống lưng và thắt lưng ở tư thế thẳng, hai vai cân bằng. Các động tác phải vừa sức, nhịp nhàng và tạo được cảm giác dễ chịu; phải tập trung tư tưởng chỉ huy động tác, làm đến đâu theo dõi đến đó; trong khi thực hành hơi thở phải tự nhiên; phải kiên trì tập luyện và tự xoa bóp, mỗi ngày làm 1 - 2 lần vào sáng sớm khi mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hỗ trợ trực tuyến