3 thg 8, 2013

BỆNH ĐAU CỔ VAI GÁY CO CHỮA ĐƯỢC KHÔNG

Bệnh đau cổ vai gáy
Trong cuộc sống, bệnh đau vai gáy là triệu chứng thường gặp đặc biệt ở những người làm văn phòng hay người lao động vất vả dẫn đến sai tư thế . Vậy, bệnh đau vai gáy có chữa được không?

>>>http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Phát hiện bệnh sớm nhất có thể

Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy,cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản, soạn giáo án (các thầy cô giáo) trong một thời gian dài trong một buổi hoặc trong một ngày và có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng… Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay cho nên khi làm các động tác dùng một hoặc hai tay nâng đỡ hoặc khi lái xe (xe máy, xe ô tô) phải làm động tác đổi tay cầm lái vì tay kia bị mỏi, nặng rất khó chịu. Cũng có tác giả cho rằng có một tỷ lệ nhất định nào đó do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép. Nói chung bệnh đau vai gáy là một loại bệnh gặp tỷ lệ khá cao, chủ yếu ở người trưởng thành hoặc gặp ở những đối tượng mang tính chất nghề nghiệp và nhất là người cao tuổi.

Một số trường hợp có thể tự chẩn đoán cho mình bị đau vai gáy với nguyên nhân gì, ví dụ nằm ngủ gối đầu cao sáng dậy bị vẹo cổ, đau vai, mỏi tay hoặc do nằm sai tư thế kéo dài nhiều giờ như nằm co quắp, gối đầu cao hoặc tư thế nằm nghiêng sang một bên. Đa số các trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc có nhiều nguyên nhân làm lẫn lộn không biết nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây nên đau vai, gáy thì cần đi khám bệnh. Tại cơ sở y tế có điều kiện, ngoài thăm khám người ta có thể hỏi bệnh, chụp Xquang đốt sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hoá máu nếu có bệnh về bệnh liên quan đến tim mạch…

Bệnh đau vai gáy có chữa được không?

Người bị hội chứng đau nhức cổ, vai, gáy khi đi khám nếu bác sĩ chuyên khoa thấy không có nguyên nhân chèn ép gây tổn thương thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau, cao dán,… hoặc dùng vật lý trị liệu, xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu,…. tại các bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần có thể giảm đau.

Các thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống cổ, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống…

Cách phòng:

Cần khắc phục nguyên nhân gây ra đau vai, gáy mà chính bản thân người bệnh biết được lý do gây ra đau vai, gáy là điều quan trọng, ví dụ: không đọc sách kéo dài trong nhiều thời gian, không nằm kê đầu bằng gối cao cả tư thế nằm ngửa, cả tư thế nằm nghiêng. Một số nghề nghiệp phải ngồi lâu trong một thời gian dài như: đánh máy, lái xe đường dài, …thì cố gắng nghỉ giải lao giữa giờ làm việc và tập cúi xuống, đứng lên hoặc quay đầu, xoay cổ nhẹ nhàng trong vòng từ 10-15 phút sau vài giờ làm việc liên tục.

Tuy nhiên trong những trường hợp đã được bác sĩ khám và xác định thoái hóa đốt sống cổ gây xơ cứng đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thì không nên xoay cổ, vặn cổ hoặc xoay lưng mạnh, nếu làm như vậy sẽ gây nguy hiểm.

Xoa bóp, bấm huyệt đúng cách, đúng chuyên môn và thực hiện đều đặn hàng ngày cũng có thể đem lại hiệu quả nhất định kết hợp với điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, không nên tự mua thuốc điều trị và theo mách bảo.

Nên tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, đúng bài, sinh hoạt điều độ.

Đối với những trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc có nhiều nguyên nhân làm lẫn lộn không biết nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây nên đau vai, gáy thì cần đi khám bệnh. Tại cơ sở y tế có điều kiện ngoài thăm khám bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định chụp Xquang đốt sống cổ, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hóa máu nếu có bệnh liên quan đến tim mạch.

Hiện nay khoa học ngày càng phát triển cho nên về Tây y có những loại thuốc dùng điều trị về bệnh khớp nói chung và bệnh thoái hóa khớp nói riêng khá hiệu quả. Thuốc vừa điều trị giảm đau vừa điều trị phục hồi dần các tổn thương của khớp mà ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa của người bệnh.

NHỮNG THÓI QUEN DỄ LÀM BẠN MẮC GAI ĐỐT SỐNG CỔ

Mọi người không ít thì nhiều đều gặp khó chịu với chứng cứng cổ, gai đốt sống cổ mà không biết, một vài thói quen hàng ngày tưởng như không liên quan cũng có thể dẫn đến căn bệnh này.

Tâm trạng thường xuyên lo lắng:

Nghiên cứu cho biết, những người dễ nóng nảy hoặc thường u sầu dễ mắc chứng suy nhược thần kinh, bệnh này có thể ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của tổ chức bắp thịt và khớp xương, thời gian lâu, vùng cổ và vai dễ bị đau.

Giải pháp: Nhất định phải chú ý thể dục tăng cường thể lực, tâm trạng luôn giữ cân bằng, vui vẻ, yêu đời.
Ảnh Minh Họa

Nhiệt độ điều hòa quá thấp khiến vùng cổ bị lạnh:


Bệnh gai đốt sống cổ có liên quan tới nhiệt độ lạnh. Mùa hè, các điều hòa trong văn phòng thường để ở nhiệt độ rất thấp, vị trí ngồi đối diện với điều hòa hoặc phụ nữ mặc áo hở cổ thường khiến vùng cổ dễ nhiễm lạnh, gây phát sinh hoặc làm xấu thêm tình trạng bệnh.

Giải pháp: Chuyên gia khuyến nghị nếu phải ngồi trong phòng lạnh thời gian dài, tốt nhất nên tìm cách để tránh vùng cổ, gáy bị điều hòa thổi gió lạnh trực tiếp.

Ngồi xem mạng, xem tivi nhiều:


Những người không yêu thích vận động, thường xuyên tiêu tốn thời gian ngồi nhà lên mạng, xem tivi thường là đối tượng có khả năng cao mắc các bệnh về khớp cổ.

Giải pháp: Những tuýp người này nên chú ý tự tạo ra những động tác nhỏ như đứng lên ngồi xuống, lau cửa sổ, xoay cổ nhìn ra các phía... để vận động vùng cổ, khớp vai, duy trì lượng máu lưu thông ở vùng cổ.

Ngủ sai tư thế:


Đa phần người làm việc hành chính thường ngủ trưa ngay tại chỗ ngồi trong phòng làm việc, ngủ gục đầu hoặc ngoẹo đầu sau một bên sẽ gây hại cho các đốt sống cổ.

Giải pháp: Nên duy trì tư thế ngủ nằm ngửa, có thể sử dụng gối ngủ chữ U để nâng đỡ cho vùng khớp cổ được thoải mái.

Tắm nước lạnh:

Một số người có thói quen xua tan cơn nóng bằng việc tắm nước lạnh ngay, tuy nhiên, cần cẩn thận hơn với thói quen này nếu hôm sau xuất hiện các hiện tượng như đầu khó quay, tay chân tê.

Giải pháp: Tắm với nước ấm vừa phải mới là cách phục hồi sức khỏe và đem lại cảm giác thư giãn cho cơ bắp, khớp xương.


Theo ANTD

ĐỐI PHÓ VỚI BỆNH ĐAU VAI GÁY

Bệnh Đau Vai Gáy

Trong các chứng bệnh liên quan đến cột sống cổ, chứng bệnh đau vai gáy là bệnh khó chịu nhất. Tự nhiên buổi sáng tỉnh dậy thấy cổ đau nhức không thể "cựa quậy" được.
Bệnh đau vai gáy là gì?


>>http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột do rối loạn chức năng thần kinh mà không do tổn thương xương khớp, đốt sống cổ hay đĩa đệm. Các hội chứng và các chứng bệnh khác liên quan đến xương, khớp và đĩa đệm vùng cổ được gọi theo đích danh bệnh đó gây ra. Ví dụ thoái hóa đốt sống cổ hay thoát vị đĩa đệm vùng cổ.

Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, thực chất là nhóm các bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. Nguyên nhân là do rối loạn tuần hoàn do thiếu máu ở vùng cột sống cổ, hoặc do sự kéo giãn dây thần kinh quá mức gây ra rối loạn chức năng của dây thần kinh chi phối nơi đây hoặc có thể là một sang chấn nhẹ nào đó cơ vùng vai gáy và gây ra co cứng và đau rút cục bộ… Tất cả đều dẫn đến một hội chứng cuối cùng đó là đau cơ ở vùng vai gáy và làm cho người bệnh rất khó quay đầu và quay cổ.

Tuy có nhiều nguyên nhân song thường gặp nhất trong hội chứng đau vai gáy là sự kích thích dây thần kinh quá mức do kéo dãn, kéo căng hoặc là căng thẳng quá mức dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh dạng kích thích kéo dài. Hệ quả là phóng ra các luồng xung động thần kinh mạnh giải phóng ồ ạt các ion can-xi làm co cứng cơ cục bộ. Sự co cứng cơ đã gây ra đau, một lần nữa nó lại thít chặt vào các dây thần kinh nên càng gây kích thích, càng đau. Theo một cơ chế như vậy cho nên bao giờ chứng bệnh đau vai gáy cũng được khởi nguồn bằng một trong các nguyên nhân trên.

Phát hiện bệnh không quá khó. Dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể nhận thấy đó là đau cơ vùng cổ, gáy, vai và phần lưng trên. Triệu chứng đau rất khác nhau ở các thể bệnh khác nhau và tùy ở từng người. Ban đầu chỉ là đau nhẹ và tạo ra sự hạn chế vận động nhẹ. Người bệnh vẫn đi lại, làm việc được chỉ một chút phiền hà đó là không quay đầu thoải mái được. Chỉ quay được rất hạn chế và hầu như chỉ nghiêng sang trái hoặc sang phải mà không thể ngoảnh lại hẳn phía sau. Ngoài triệu chứng đau người bệnh còn có thêm triệu chứng tăng cảm giác. Tăng cảm giác đến mức chỉ sờ nhẹ ngoài da vùng gáy bệnh nhân cũng biết. Chỉ ấn lướt rất nhẹ cũng tạo ra cảm giác đau một cách rõ ràng cho người bệnh.

Ở mức độ bệnh nặng hơn hoặc kéo dài hơn, người bệnh đau nhiều hơn và ảnh hưởng đến ngủ nghỉ và ăn uống. Sang giai đoạn nặng hoặc khi bị kéo dài, thường sau 2-3 ngày là bệnh có thể tiến triển. Khi đó, mọi sinh hoạt vận động liên quan nhẹ đến cơ vùng cổ vai gáy cũng rất đau. Chính vì thế nó làm hạn chế hầu như mọi sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân.

Song có lẽ khổ nhất là lúc ngủ. Người bệnh ban đầu còn có thể nằm ngủ được, sau thì không thể nằm ngủ được. Vì khi nằm trọng lượng cơ thể dồn lực tác động vào một bên. Nếu nằm về bên bệnh thì lực cơ thể làm đau thêm. Nếu nằm về bên lành thì bên bệnh bị kéo căng vẫn đau. Do đó người bệnh không dám nằm ngủ mà thường thì chỉ dám nửa nằm nửa ngồi và ngủ rất chập chờn. Khi bị đau quá mức, các động tác đi lại nhẹ nhàng cũng ảnh hưởng và cũng gây đau.

Thực ra vấn đề điều trị chứng bệnh đau vai gáy không quá khó. Chúng ta chỉ cần đánh đúng vào cơ chế gây bệnh là có thể đẩy lùi bệnh tật. Chỉ cần thực hiện giãn cơ và thư thái thần kinh là có thể chống lại căn bệnh này.

Ngay khi mới bị bệnh, bạn đừng có cố gắng xoay đầu hay xoay cổ. Cách tốt nhất đó là bạn nên vận động xoay đầu cổ nhẹ nhàng, được chừng nào hay chừng ấy và đừng có làm cố tăng biên độ như khi bình thường. Nhớ là phải hạn chế quay đầu, nghiêng đầu để cho bệnh có thể tự hồi. Bạn cũng không nên ngồi quạt điện hay ngồi điều hòa vì chỉ càng làm cho cơ co cứng và đau dữ dội hơn mà thôi. Khi đi ngủ, bạn nhớ chườm ấm vùng cổ, chiếu đèn hồng ngoại, nếu có người xoa bóp cho bạn thì chỉ cần nhẹ nhàng xoa bóp vùng cơ vai gáy chừng 10-15 phút nhằm làm tăng lượng máu lưu thông là ổn. Nên tắm bằng nước ấm. Nếu mức độ kích thích dây thần kinh của bạn chỉ ở mức độ nhẹ và ít nhiều liên quan tới sự thiếu máu hay co mạch thì những biện pháp này sẽ nhanh chóng lấy lại sự ổn định cho bạn. Bạn sẽ tự hết bệnh trong 2-3 ngày sau.

Nhưng nếu mức độ kích thích dây thần kinh lớn hơn, bệnh ở mức độ vừa. Tức là ngày sau bạn vẫn không thấy thuyên giảm, bạn có thể phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ. Các loại thuốc có thể dùng được bao gồm các thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như diclofenac, ibuprofen, paracetamol, aspirin. Các thuốc này sẽ giảm đau cho bạn và chống lại các phản ứng viêm hệ lụy đi sau. Bạn cũng có thể dùng miếng dán salonpas để giảm được triệu chứng vùng này.

Vì miếng dán salonpas có chứa chất kháng viêm non-steroid dạng thấm qua da methyl salicylat. Các thuốc chống co thắt cơ quá mức có thể có tác dụng như thuốc mephenesin (decontractyl) cũng có thể giúp bạn phần nào. Thuốc có tác dụng chống co thắt cơ giải phóng cho sự kích thích dây thần kinh và góp phần làm cho bạn bớt đau. Một số vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12 có thể dùng vì nó làm tăng dẫn truyền thần kinh. Thuốc chống viêm corticoid dạng uống rất ít có tác dụng trong các trường hợp này.

Khi bạn bị bệnh mức độ vừa, không nên xoa bóp vì càng xoa bóp thì càng đau và làm tăng mức độ bệnh (có lẽ do thần kinh càng kích thích). Điều này đúng với bệnh đau không do thoái hóa hay không do co thắt mạch máu.

Ở mức độ bệnh nặng hơn cần phải dùng đến biện pháp mạnh tay hơn đó là châm cứu hoặc dùng thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh. Châm cứu sẽ điều hòa lại hoạt động của dây thần kinh. Còn các thuốc này sẽ cắt tạm thời các cơn kích thích thần kinh mạnh, làm mềm cơ và do đó không gây đau dữ dội. Chúng cực kỳ có hiệu nghiệm cho mọi trường hợp bệnh, nhất là bệnh nặng.

Chỉ cần châm cứu vào đúng các huyệt trên những vị trí chính xác, nó có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa và làm giảm sự co thắt nên giảm đau. Có thể dùng thuốc tiêm. Thuốc có thể dùng là lidocain hoặc novocain, nhưng cần thử phản ứng thuốc trước khi tiêm, và việc tiêm thuốc nhằm ngăn chặn dẫn truyền thần kinh nhất thiết phải do bác sỹ thực hiện, có đầy đủ dụng cụ cấp cứu nếu có sự cố xảy ra. Tuyệt đối không được tự tiêm tại nhà và tự mua thuốc về tiêm. Cũng tuyệt đối không được tiêm vào mạch máu vì có thể gây rối loạn hoạt động của hệ tim mạch. Đó là những nguyên tắc hết sức cơ bản trong điều trị chứng bệnh này.

Nếu như điều trị đúng và nhớ là sớm ngay từ đầu, người bệnh sẽ không cần gặp bác sĩ mà vẫn khỏi bệnh. Nhưng nếu điều trị sai, điều trị muộn thì người bệnh không những đau mà còn phải có nguy cơ nhập viện là rất lớn.
BS. Lê Thanh Huyền
Theo Sức khỏe & Đời sống

2 thg 8, 2013

THƯ GIÃN CỘT SỐNG TRÁNH ĐAU LƯNG

 Mang vật nặng không đúng cách gây đau lưng.













 Lưng là phần dưới của thân mình gồm có 5 đốt xương sống, các gân, dây chằng, cơ bắp để giữ lưng ngay thẳng. Các đốt xương này chịu đựng sức nặng của phần trên của thân mình cho nên chúng rất dễ tổn thương, gây ra các cơn đau khó chịu. Ðể phòng ngừa đau lưng cần thực hiện các biện pháp sau nhằm tránh các căng dãn không cần thiết cho cơ bắp, tăng cường sức mạnh cho các bắp thịt hỗ trợ cột sống.
1. Khi mang vật nặng, không nên khom lưng xuống để nhấc vật đó lên, mà ngồi xuống, hai tay ôm cầm vật đó rồi từ từ đứng lên qua sức mạnh của đầu gối, như vậy tránh được sự tổn thương cho lưng.

2. Giữ dáng điệu ngay ngắn. Không đi giầy gót quá cao. Khi ngồi lâu thỉnh thoảng nên đứng dậy, đi qua đi lại, thư dãn xương lưng. Tránh ngồi trên nệm ghế quá mềm. Nên ngủ trên nệm cứng; gối cao vừa phải để đầu và mình ngang bằng. Khi xem tivi hoặc đọc sách lâu, nên nằm để tránh căng cho xương sống.

3. Mặc quần áo không nên quá bó sát vào người để cơ bắp, xương khớp không bị gò bó… Không hút thuốc lá vì nicotine làm giảm máu lưu thông tới lưng khiến cơ khớp yếu. Nên giảm cân nếu cơ thể thừa cân vì béo phì làm mô mềm ở lưng căng cương.

4. Tập thể dục với các cử động làm thư giãn khớp xương và bắp thịt, tăng cường sức mạnh cho bắp thịt, dây chằng ở lưng. Buổi sáng ngủ dậy, trước khi bước ra khỏi giường nên tập các cử động vẹo người qua lại để thư giãn lưng vì sau khoảng thời gian nằm ngủ, xương khớp, bắp thịt cứng lại, nếu đứng dậy ngay có thể ngã, gây tổn thương cho lưng và các phần khác của cơ thể.

5. Tập luyện thư giãn cột sống.
- Ðứng thẳng, hai bàn chân xa ngang thân người, úp hai bàn tay lên ngang lưng. Ðầu gối ngay thẳng, ưỡn lưng về phía sau càng xa càng tốt. Giữ nguyên vị trí trong vài ba giây rồi trở lại dáng điệu bình thường. Làm cùng động tác 5 lần.
- Ðứng ngay thẳng, tựa hai tay lên phía sau của thành ghế. Ðầu gối thẳng, giơ một chân về phía sau càng cao càng tốt. Hạ chân xuống từ từ và làm cùng động tác với chân kia. Làm 5 lần cho mỗi chân.
Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, khuỷu tay gấp, hai bàn tay úp xuống sàn. Dùng hai tay đẩy thân mình lên càng cao càng tốt, mông và chân vẫn phẳng dưới sàn. Nhắc lại 10 lần.
Nằm ngửa, đầu gối gập lại, hai bàn chân để dưới đất. Từ từ nhấc đầu và vai khỏi sàn, hướng hai bàn tay về phía đầu gối, giữ vị trí trong mười nhịp đếm rồi nằm thẳng mình trở lại. Nhắc lại 5 lần.
Nằm sấp, chân tay đụng mặt bằng. Nâng cao một chân, đếm từ 1 đến 10 rồi hạ chân xuống. Nhắc lại cùng cử động với chân kia. Làm 5 lần mỗi chân.

AI DỄ BỊ CHÈN ÉP ĐỐT SỐNG CỔ


Sơ đồ thần kinh ở cổ chi phối chi trên.
Tủy sống cổ có thể bị chèn ép do các loại bệnh lý khác nhau gây tổn thương tủy sống mạn tính. Bệnh gây tê các ngón tay, mất các cử động khéo léo của bàn và ngón tay, nặng hơn là liệt vận động tứ chi, rối loạn tiểu tiện, đại tiện…ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đối tượng nguy cơ dễ bị chèn ép đốt sống cổ

Những người bị các bệnh ở cột sống cổ dễ bị chèn ép đốt sống cổ với nguyên nhân thường gặp nhiều ít theo thứ tự như sau: thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ, cốt hóa dây chằng dọc sau, cốt hóa dây chằng vàng. Bệnh nhân bị bướu ống sống, cột sống cổ hẹp di động nhiều cũng là các nguyên nhân gây chèn ép tủy sống cổ. Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 – 50. Thoái hóa đĩa đệm thường gặp trong độ tuổi cao hơn là từ 50 – 60 tuổi. Cốt hóa dây chằng dọc sau hoặc dây chằng vàng gặp ít hơn ở những người trên 50 tuổi, trong đó có người chỉ bị một bệnh, nhưng cũng có người bị nhiều bệnh phối hợp cùng lúc mà gây chèn ép đốt sống cổ. Tuy nhiên, có nhiều người dù được phát hiện trên phim chụp Xquang hay chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) bị các tổn thương nói trên nhưng họ vẫn không bị chèn ép đốt sống cổ.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Một người bị chèn ép đốt sống cổ thường thấy các dấu hiệu như sau: tê các ngón tay, trong đó hay gặp lần lượt là: bị tê hai ngón thứ tư và thứ năm; tê ba ngón: cái, trỏ, giữa; tê cả năm ngón của bàn tay. Biểu hiện tê thường thấy ở cả ngón tay phía mu tay và phía lòng bàn tay. Bệnh nhân thường mô tả triệu chứng là tê từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và đến các ngón tay; tê thân mình; tê cẳng bàn chân; mất cử động khéo léo các ngón tay như khó cầm đũa gắp thức ăn; lúc đầu cầm muỗng dễ hơn cầm đũa nhưng dần dần cũng khó khăn; chữ ký hay chữ viết xấu dần; trở nên vụng về khi cài cúc áo, sau đó cài cúc áo rất khó khăn. Về vận động: bệnh nhân thấy cánh tay, cẳng tay, bàn tay yếu dần với biểu hiện không cầm nắm được đồ vật, khó cử động cổ tay, khó sấp ngửa cẳng tay, gập duỗi cẳng tay yếu dần; bắt tay người khác lỏng lẻo... Các triệu chứng này do liệt vận động một phần ở cả hai tay. Bệnh nhân có dáng đi kiểu co giật do liệt vận động hai chân: hai chân yếu dần, đi lại khó khăn hơn trên đường bằng phẳng; khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân không thể lên xuống cầu thang một mình, không đi xa được. Cuối cùng, bệnh nhân bị rối loạn đại tiện, rối loạn tiểu tiện mà nặng nhất là bí tiểu. Bác sĩ khám thấy rõ các triệu chứng trên, phát hiện được các hội chứng tháp tứ chi với các dấu hiệu Hoffmann, Babinski dương tính, tăng phản xạ gối, gót. Chẩn đoán hình ảnh như Xquang, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ thấy các tổn thương bệnh lý ở cột sống cổ.

Vấn đề điều trị và phòng bệnh

Một bệnh nhân được phát hiện bệnh lý chèn ép tủy không phải lúc nào cũng phải phẫu thuật. Nếu bệnh nhân có tê nhẹ, các triệu chứng liệt vận động chưa xuất hiện, tủy sống trong giai đoạn sớm bị kích thích thì phải cẩn thận trong chỉ định mổ. Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn như tập các bài tập tránh tư thế sai, tránh kéo tạ cổ, tránh tập mạnh cổ, tránh cúi xoay cổ hay ngửa xoay cổ, tránh ngửa cổ quá mức…

Bệnh nhân có thể được hướng dẫn tập cơ vùng cổ nhẹ nhàng với sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng. Phẫu thuật điều trị được chỉ định trong các trường hợp: có các triệu chứng liệt vận động, nhất là khi thấy có chèn ép trung tâm, bệnh lý tủy sống cổ mạn tính kèm theo các bệnh nặng khác của tuổi già. Phẫu thuật thường làm là: cắt đĩa sống và hàn liên thân đốt bằng xương ghép, bằng nêm nhựa tổng hợp kèm theo nẹp kim loại cố định vững cột sống cổ. Nẹp kim loại được dùng để hàn xương sống cổ để tránh khớp giả, tái phát.
  

Hình ảnh thoái hóa đĩa đệm cổ 4, cổ 5.

So với phẫu thuật tạo hình bảng sống theo phương pháp Nhật Bản Kurokawa hay Itoh, phẫu thuật tạo hình bảng sống kiểu Việt Nam (phẫu thuật VVT) được áp dụng từ hơn nhiều năm nay có kết quả tương đương nhưng có ưu điểm là ít hay không có biến chứng đau cổ hay mỏi cổ như hai phẫu thuật trên do ít tàn phá mô mềm và xương hơn.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả: thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện và điều trị tích cực các bệnh gây tổn thương đốt sống cổ như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, cốt hóa dây chằng dọc sau và dây chằng vàng. Việc tầm soát bệnh cần thực hiện chặt chẽ đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Đối với mọi người, cần tập thể dục đều đặn kết hợp với chế độ ăn tăng cường các loại thức ăn chứa nhiều chất canxi như tôm, cua, cá, xương hầm nhừ… để phòng tránh bệnh loãng xương. Những người lao động cần tránh dùng đầu đội nặng để bảo vệ cột sống cổ, tránh các nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, tổn thương đốt sống cổ.

CẢNH GIÁC VỚI CHẤN THƯƠNG CƠ HOÀNH

>>http://chuabenhcovaigay.blogspot.com/

Một chấn thương ở vùng ngực, bụng có thể dẫn đến thủng, vỡ, thoát vị cơ hoành. Chấn thương có thể gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau... Sắp đến các dịp nghỉ lễ, Tết, số người tham gia giao thông tăng cao, mọi người cần cảnh giác đề phòng tai nạn giao thông gây chấn thương cơ hoành, đồng thời phải nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời.

Thủng cơ hoành do vết thương

Vết thương vào lồng ngực từ liên sườn IV trở xuống đều có thể gây thủng cơ hoành và tạo nên vết thương ngực - bụng; nếu lỗ vết thương có đường kính lớn hơn 1,5cm thì các tạng trong ổ bụng có thể chui qua lỗ vết thương lên khoang màng phổi.


Một bệnh nhân bị thủng cơ hoành có thể thấy các dấu hiệu: đau vùng mũi ức; vết thương ngực - bụng gây thủng cơ hoành có thể thấy dịch tiêu hóa, dịch mật, mạc nối, quai ruột... ở lỗ vết thương thành ngực; khi các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ thủng cơ hoành vào lồng ngực gây chèn ép các tạng trong lồng ngực, có thể bị ngạt thở cấp, tím tái, loạn nhịp tim... kèm theo có thể có các triệu chứng tắc ruột do bị nghẹt các quai ruột ở lỗ thủng cơ hoành nhiều trường hợp các triệu chứng thường không rõ ràng, chẩn đoán cần dựa vào phán đoán đường đi của vết thương.

Vấn đề cơ bản trong vết thương cơ hoành là có tổn thương cả ở ngực và ở bụng, trong đó các tổn thương ở bụng thường là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Vì vậy, thường chỉ định mở ổ bụng thăm dò, xử lý các tổn thương trong ổ bụng, đồng thời khâu đóng lại lỗ thủng cơ hoành. Trường hợp mở ổ bụng thăm dò khi nghi vết thương ngực - bụng, cần phải gây mê nội khí quản để tránh biến chứng phổi bị ép do không khí tràn vào màng phổi qua lỗ thủng cơ hoành khi mở bụng.

Vỡ cơ hoành

Có thể gặp vỡ cơ hoành trong chấn thương bụng kín, thường phải là một chấn thương mạnh làm áp lực ổ bụng tăng cao đột ngột, vòm hoành bị căng lên và vỡ. Thường thấy vỡ cơ hoành bên trái, cơ hoành bên phải ít bị vỡ do được gan che chở. Chấn thương ngực kín cũng có thể gây vỡ cơ hoành nhưng ít gặp hơn. Qua chỗ rách cơ hoành, các tạng trong ổ bụng có thể chui lên lồng ngực ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian, gây nên thoát vị cơ hoành do chấn thương. Do rách cơ hoành thường xảy ra sau một chấn thương mạnh nên nó thường kèm theo nhiều tổn thương khác ở ổ bụng và lồng ngực, làm cho việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Sơ đồ vị trí giải phẫu cơ hoành.

Triệu chứng rách cơ hoành thường rất khó được chẩn đoán xác định ngay từ đầu, phần lớn là được phát hiện ra khi mổ cấp cứu để xử trí các tổn thương ở bụng hoặc ở ngực. Khi có các tạng ổ bụng chui qua lỗ rách cơ hoành vào lồng ngực, có thể thấy các triệu chứng chèn ép trung thất như: khó thở, đau tức bên vùng ngực tổn thương, loạn nhịp tim, tím tái, sốc... Có thể có triệu chứng tắc ruột do quai ruột bị nghẹt ở vết rách cơ hoành khi chúng chui vào lồng ngực. Chụp phim Xquang dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định tạng chui vào lồng ngực, có thể bơm khí ổ bụng để chụp sẽ thấy khí tràn vào khoang màng phổi.

Mọi trường hợp rách cơ hoành đều phải mổ, khâu vết rách cơ hoành. Nếu vết rách rộng có thể phải vá lại bằng các vật liệu nhân tạo. Trường hợp nghi ngờ có tổn thương ổ bụng thì phải mở ổ bụng để xử trí các tổn thương, đồng thời khâu lại vết rách cơ hoành. Nếu chỉ rách cơ hoành đơn thuần thì có thể mở ngực để khâu vết rách vì dễ khâu hơn so với mổ đường bụng.

Thoát vị cơ hoành
Là sự di chuyển của các tạng ở ổ bụng lên lồng ngực qua lỗ thoát vị ở cơ hoành. Thoát vị cơ hoành do chấn thương: có thể xảy ra ngay sau chấn thương, nhưng thường sau chấn thương một thời gian. Lúc đầu chỗ tổn thương có thể còn nhỏ nên chưa có thoát vị, sau đó do các tạng trong ổ bụng liên tục thúc vào làm giãn rộng dần chỗ tổn thương và qua đó các tạng chui vào lồng ngực, tạo thành thoát vị. Thường gặp thoát vị cơ hoành bên trái vì bên phải được gan che chở. Tạng thoát vị có thể là dạ dày, đại tràng, mạc nối, tiểu tràng, lách, gan... Tạng thoát vị thường dính chặt vào lỗ thoát vị và các cơ quan trong lồng ngực như màng tim, màng phổi...

Triệu chứng điển hình thường là đau vùng thượng vị hoặc đau một bên ngực lan lên vùng bả vai cùng bên; có tiếng nhu động ruột ở cao trên lồng ngực; có thể có triệu chứng tắc ruột do ruột bị nghẹt ở lỗ thoát vị. Chụp Xquang thường có thể thấy bóng hơi dạ dày lên cao trên lồng ngực, hoặc các khoang nhỏ có mức hơi mức nước trên nền vân phổi do các quai ruột thoát vị lên lồng ngực. Khi cần có thể chụp dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định chính xác các tạng thoát vị lên lồng ngực. Triệu chứng về tuần hoàn và hô hấp: khó thở tăng lên khi nằm; có khi khó thở nặng, tím tái do thoát vị quá lớn gây chèn ép nặng trung thất, tim và phổi; tim bị đẩy sang bên lành.

Cần chỉ định mổ sớm, nếu thoát vị cơ hoành sau chấn thương đã lâu thì nên mổ theo đường ngực để thuận tiện cho việc gỡ dính các tạng thoát vị và tái tạo cơ hoành. Nếu là thoát vị mới thì có thể mổ theo đường bụng vì các tạng thoát vị còn chưa bị dính nhiều, dễ di động và đưa trở lại ổ bụng. Gây mê nội khí quản để dễ dàng đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, khâu lại lỗ thoát vị bằng chỉ không tiêu. Nếu lỗ thoát vị quá lớn thì phải thực hiện phẫu thuật tạo hình lại cơ hoành.

XOA BÓP TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI

 Bấm huyệt kiên tỉnh




Viêm quanh khớp vai Ðông y gọi là kiên tỷ thống. Nguyên nhân là do phong hàn thấp kết hợp với nhau làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau; do can thận quá hư tổn và bệnh nội thương làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày sinh bệnh.

Người bệnh có biểu hiện đau vùng vai và hạn chế vận động vùng khớp vai, đặc biệt là khó nhấc tay lên cao, khó chải đầu, khó gãi được lưng, đau lan lên cổ, xuống cánh tay đau và tăng nhiều về đêm. Xin giới thiệu một số thủ pháp xoa bóp bấm huyệt góp phần giảm đau, phục hồi vận động cho khớp vai với những trường hợp viêm quanh khớp vai do lạnh, do thoái hóa đốt sống cổ nhưng chưa chèn ép thần kinh, do chấn thương vùng vai nhưng không tổn thương khớp.
 Vị trí huyệt tý nhu.


Người bệnh ngồi trên ghế tựa, người làm thủ thuật đứng bên cạnh, lần lượt làm các thao tác sau:

1. Xoa bóp, lăn, day vùng quanh khớp vai của người bệnh khoảng 5 - 10 phút để cho các cơ mềm ra.

2. Dùng ngón tay cái bấm mạnh huyệt kiên ngung của người bệnh và day khoảng 3 - 5 phút.

3. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên trinh của người bệnh khoảng 3 phút.

4. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên tỉnh của người bệnh khoảng 3 phút.

5. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt tý nhu của người bệnh khoảng 3 phút.

6. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt thủ tam lý của người bệnh trong khoảng 3 phút.

7. Dùng ngón tay cái ấn day huyệt hợp cốc của người bệnh trong 3 phút.

8. Tay cái ấn vào điểm đau nhất của người bệnh với một lực mạnh thích hợp.

9. Một tay cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm cổ tay bệnh nhân quay vòng từ từ tăng dần từ nhẹ đến mạnh mỗi chiều khoảng 10 vòng.

10. Một tay cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm lấy cổ tay bệnh nhân vừa kéo dãn vừa rung trong khoảng vài chục giây, làm như vậy 3 lần.

11. Lấy hai bàn tay vò xát khớp vai người bệnh đến khi nóng lên là được.

12. Một tay nắm vào khớp vai của người bệnh, tay kia cầm cổ tay bên vai đau của người bệnh nâng về phía trước lên cao quá đầu rồi đưa về phía sau, hoặc đưa về phía ngực.

Lưu ý: Nên thực hiện đều đặn ngày 1 - 2 lần, trong 7 - 10 ngày. Khi xoa bóp, cần lưu ý tác động từ xa đến gần vùng đau, điểm đau, từ chậm đến nhanh, từ nông đến sâu, từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân chịu đựng được. Để phòng bệnh, cần tránh gió lạnh, ẩm thấp, khi ngủ nên đắp chăn cao quá vai. Hằng ngày, nên tăng cường tập luyện chức năng khớp vai như dang tay, giơ tay, khép tay, đưa tay ra trước và ra sau, quay tay. Nếu có bệnh lý ở khớp vai cần điều trị kịp thời.

Vị trí huyệt:

Kiên ngung: ở giữa mỏm cùng vai và mấu chuyển lớn xương cánh tay. Hoặc dang cánh tay thẳng huyệt ở chỗ lõm phía trước ngoài khớp, mỏm cùng - xương đòn.

Kiên trinh: khép cánh tay, huyệt ở trên điểm đầu sau nếp nách 2 tấc. Hoặc ở chỗ lõm ở đầu khớp vai khi dang tay ra.

Kiên tỉnh: ở điểm giữa đường nối huyệt đại chùy (đốt sống cổ 7) và mỏm cùng vai.

Tý nhu: trên khuỷu tay 7 thốn. Huyệt ở đầu cuối của cơ tam giác cánh tay, trên đường nối huyệt khúc trì và kiên ngung.

Thủ tam lý: dưới huyệt khúc trì 2 tấc (dưới đầu vân ngang ngoài khuỷu tay 2 tấc).

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hỗ trợ trực tuyến