1 thg 10, 2013

TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH CỔ VAI GÁY

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính…; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau…


Đau vai gáy kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe
Hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.

Cần xác định chứng bệnh qua phim chụp Xquang cột sống cổ tư thế chếch trước trái và chếch trước phải xem có hình ảnh gai xương hay thu hẹp lỗ tiếp hợp gây ra đau.

Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu – cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có cảm giác nhức nhối như bị điện giật. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên, sau một thời gian, người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau – đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt.

Cơn đau nhức có thể xuất  hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp Xquang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.

Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém… ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.

30 thg 9, 2013

PHÒNG ĐAU VAI GÁY


Ngồi làm việc trước màn hình vi tính của các công chức, ngồi học kéo dài nhiều giờ của học sinh sinh viên, làm việc ở tư thế ngồi theo dây chuyền công nghiệp của công nhân... dễ dẫn tới cảm giác căng thẳng, đau vai gáy, đau lưng mỏi mắt. Để giúp phòng tránh và cải thiện những rắc rối trên, người lao động cần phải bảo đảm tư thế làm việc và luyện tập đúng để nâng cao hiệu quả lao động, học tập và sức khỏe.

Tại sao cần phải bảo đảm tư thế đúng khi làm việc?

Tư thế ngồi phòng đau vai gáy

Để tiết kiệm năng lượng cho cơ.

- Đối với lao động cơ bắp: Lượng cấp máu cho cơ đáp ứng đủ theo nhu cầu do cơ co và được thư giãn sau mỗi cử động, trong khi đó lao động tĩnh, cơ phải co liên tục để duy trì tư thế, các sợi cơ khi co sẽ ép vào thành mạch - hiệu ứng bơm cơ sẽ ngăn cản máu đến cơ nên máu đến cơ ít hơn, cơ buộc phải lấy thêm năng lượng để hoạt động từ chuyển hóa yếm khí, acid lactic sẽ ứ đọng trong cơ dẫn tới đau cơ.

- Giảm lực ép, tỳ đè lên cột sống: Cột sống của bạn giống như cột trụ chống đỡ cho cơ thể, bao gồm từ 32-33 đốt sống. Các đốt sống trên và dưới khớp với nhau tạo nên ống sống để bảo vệ tủy sống, ở giữa 2 đốt sống là đĩa đệm có tác dụng như bộ phận giảm xóc cho cơ thể (giảm sức ép lên cột sống trong khi lao động và trong sinh hoạt hằng ngày). Đĩa đệm được cấu tạo bằng một nhân nhày ở giữa, bao bọc xung quanh là vòng xơ.

Đĩa đệm được dinh dưỡng theo kiểu thẩm thấu. ban ngày đĩa đệm phải làm việc, bị mất nước, ban đêm được nghỉ ngơi (ở tư thế nằm lực ép giảm tạo thuận lợi cho việc tái hấp thu nước). Nếu chúng ta không biết bảo vệ cho đĩa đệm (chọn tư thế đúng, tránh tư thế có hại cho đĩa đệm, nghỉ ngơi hợp lý) thì đĩa đệm chóng bị thoái hóa, khi đó chức năng giảm xóc giảm sẽ kéo theo hàng loạt các rắc rối như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp sau... gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Lực ép lên cột sống thay đổi theo tư thế của bạn, lực ép ở tư thế ngồi cao hơn rất nhiều so với tư thế nằm và đứng. Trong các kiểu ngồi làm việc, tư thế ngồi mà phải duy trì giữ hai tay không có điểm tựa thì lực ép lên đĩa đệm là cao nhất. Tư thế ngồi tay có điểm tựa là tư thế được chấp nhận, vì bảo đảm cân bằng để làm việc và lực ép lên cột sống thấp, ở tư thế này, lưng được tựa, cẳng tay có điểm tựa.

Một số tư thế đúng để phòng tránh đau vai gáy

- Tư thế làm việc đúng trước máy vi tính:

Vai: Được thả lỏng, cẳng tay luôn ở trên mặt phẳng ngang, vuông góc với khuỷu, cổ tay thẳng trục với cẳng tay.

Cổ: Giữ ở vị trí trung tính, thẳng trục với cột sống.

Lưng: Giữ thẳng, ghế phải có tựa cho vùng thắt lưng.

Khi ngồi, tránh tư thế cong lưng, cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng trục với chân, nên kê một gối mỏng ở đoạn thắt lưng. Nên giải lao khi phải ngồi kéo dài, cứ 45-60 phút giải lao một lần.

- Tư thế đúng khi lái xe: Khi lái xe, giữ thẳng lưng, kê gối ở đoạn thắt lưng, đầu và cổ giữ thẳng trục với thân, di chuyển ghế ngồi gần volant sao cho vai cánh tay không bị căng. Khi lái xe khoảng 150-200km nên nghỉ 1 lần.

- Tư thế nằm: Khi nằm không được gối quá cao, làm cột sống cổ không thẳng trục với thân. Nên gối phần đầu và cổ, không được kê gối xuống dưới vai.

- Khi làm việc nhà: Tránh các động tác ngửa cổ trong sinh hoạt hằng ngày như lau cửa, mắc quạt trần, lau đèn, lấy đồ trên cao, để giảm căng thẳng cho cổ vai hãy sử dụng ghế, thang khi làm những công việc này.

MỘT SỐ ĐỘNG TÁC LUỆN TẬP KHI BỊ ĐAU VAI GÁY

Ảnh minh họa

- Ngồi thư giãn trên ghế, thẳng lưng, đầu, cổ. Xoay đầu từ từ sang 2 bên. Nghiêng đầu sang phải và trái. Thực hiện từ 3-5 lần.

- Ngồi thư giãn trên ghế, nhún 2 vai lên cao, hạ thấp vai và thư giãn, nhắc lại 3-5 lần.

- Ngồi thư giãn trên ghế, xoay vai từ từ ra trước, ra sau rồi xoay tròn.

- Đứng dựa lưng vào tường, chân rộng bằng hông, gót chân cách tường 2-5cm. Hai bàn tay đặt sau gáy, khuỷu hướng ra trước, sau đó dang 2 cánh tay.

- Đứng sát tường, đặt quả bóng cao su lên vùng cơ cổ và vai (không đặt lên cột sống và xương bả vai), từ từ lăn bóng từng bên (trái, phải) 2-3 lần.

Kết hợp sử dụng máy massage cầm tay với các bài tập trên để giúp máu lưu thông, xoa bóp sâu vào các phần cơ của vai gáy, giúp giảm mỏi mệt, giảm uể oải do ít vận động. 

Khi phải ngồi làm việc kéo dài bạn nên tập thêm các động tác co chân và bàn chân để cải thiện tình trạng căng cơ và “xuống máu chân” (tăng cường lưu thông máu). Để tập chân và bàn chân bạn có thể ngồi duỗi thẳng đầu gối; ngồi nâng bàn chân khỏi nền nhà; đứng thẳng, tỳ sát lưng vào tường, duỗi thẳng gối, đưa chân ra phía trước; đứng, tay vịn ghế, đá chân ra phía ngoài, đưa chân ra phía sau.

PHÒNG BỆNH GIAO MÙA: ĐỀ PHÒNG ĐAU CỔ, VAI, GÁY

Trở trời khiến rất nhiều người bị đau ở vùng cổ, vai, gáy. Tuy nhẹ hơn so với chứng trúng gió méo miệng, nhưng nếu bệnh nhân chủ quan, không chữa trị ngay sẽ dẫn tới viêm gân cơ, hoặc chèn lên các dây thần kinh khiến bệnh nhân đau nhức, phải chữa trị rất lâu mới dứt bệnh.


Ảnh minh họa

Cơ chế gây bệnh

Kể từ đầu mùa lạnh, chị Hà Ly (Hà Nội) đã mấy lần bị đau ở vùng cổ, vai, gáy. Chỉ cần đi xe máy không quàng khăn là bị đau ngay. Có lần gội đầu xong, chị ra đường, khi về thấy nhức một điểm trên vai. Dù đã tự xoa bóp nhưng cảm giác đau ngày càng tăng, chuyển lên cổ, cằm, hai mang tai, rồi đau khắp vùng cổ vai gáy, ngây ngấy như bị sốt, rất khó chịu. Có lần chị cố chịu vài ngày, chứng đau lan xuống cả cánh tay với cảm giác tê bì, nóng rát, hạn chế vận động cột sống cổ...

Theo TS. BS Lương Tài (BV Châm cứu TƯ), chứng đau cổ, vai, gáy gặp ở mọi lứa tuổi do rất nhiều nguyên nhân như: Gội đầu, tắm đêm, đi đêm ngấm sương lạnh, tư thế ngồi sai, tư thế lao động sai... Nhưng chủ yếu vẫn do bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, những người phải ngồi lâu ở một tư thế cũng rất hay mắc. Người hay nằm nghiêng, gối cao, lúc ngủ dậy, cũng hay bị cứng cơ, vẹo cổ.

TS. BS Phạm Hữu Lợi (Phó Trưởng khoa Nội, BV Châm cứu TƯ) cho biết, tuổi trung niên hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay bị đau cổ, vai, gáy, ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt hằng ngày. Chứng đau cổ, vai, gáy nhẹ chỉ cần châm cứu, xoa bóp 1-2 lần là khỏi. Nhưng để xuống tới huyệt phế du là đã bị nhiễm lạnh lâu, ngấm sâu vào cơ thể, chữa sẽ lâu hơn. Nếu cơ bị co lâu ngày làm máu lưu thông kém, các khe đốt sống cổ co hẹp chèn ép lên các dây thần kinh vai, gáy khiến bệnh nhân đau đớn và làm suy thoái đốt sống cổ nhanh hơn.

Không tự lắc cổ, xoay vặn mình

Theo TS.BS Phạm Hữu Lợi, một trong những sai lầm bệnh nhân hay mắc phải là thường đắp khăn lạnh vào chỗ đau ở vùng cổ, vai, gáy để mong giảm đau. Điều này rất nguy hiểm vì những vùng trên bị đau do trúng phong hàn, khi gặp lạnh sẽ càng thêm đau.

Một thói quen khác nguy hiểm không kém là tự lắc cổ khi đau mỏi và xoay vặn mình khi ngủ dậy. BS Phạm Hữu Lợi cho biết, BV Châm cứu TƯ vừa điều trị cho một bệnh nhân khi bị đau mỏi cổ đã lắc cổ mạnh một cái. Hậu quả là bị trật khớp cổ, phải đi cấp cứu, may mà chưa nguy tới tính mạng.

Bác sĩ Phạm Hữu Lợi khuyên, khi đau cổ vai gáy chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không nên vận động mạnh, cũng không lắc cổ. Chỉ nên vận động mạnh khi có chỉ định của bác sĩ.

Chữa Tây y hay Đông y?

Chứng đau cổ, vai, gáy chỉ cần đến các cơ sở y tế điều trị (thường là ngoại trú) bằng cách châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu rất hiệu quả. Tuỳ nguyên nhân, mức độ bệnh thầy thuốc sẽ điện châm hay thủy châm, ôn châm vùng cổ, vai, gáy, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt vận động nhẹ nhàng cổ và khớp vai... Hoặc dùng máy từ nhiệt chườm nóng kết hợp uống thuốc giãn cơ... Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần châm cứu trị liệu 2 ngày là khỏi, bệnh nặng thì mất khoảng 2-3 tuần. Nếu đau xuống tới huyệt phế du sẽ điều trị ôn châm (vừa châm cứu, vừa hơ ngải vào đốc kim làm kim nóng, lan tới huyệt để trị hàn). Với Tây y, chứng đau cổ, vai, gáy do thời tiết thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, hoặc cao dán, ưu điểm là nhanh khỏi nhưng hết thuốc có thể sẽ bị đau lại và hay tái phát.

Một số trường hợp đau cổ, vai, gáy nhẹ bệnh nhân có thể xoa bóp nhẹ nhàng ở cổ và vai bằng dầu nóng sẽ cảm thấy dễ chịu. Cách nữa là hơ nóng ngải cứu cho vào khăn chườm nóng vào vùng cổ, vai, gáy. Hỗ trợ thêm bằng các động tác day xoa, vỗ, gõ.

BS Nguyễn Hữu Lợi khuyến cáo, khi điều trị, người bệnh cố gắng chữa trị dứt điểm, chớ thấy hơi bình thường đã bỏ vì khi ấy hàn khí tích trong cơ thể vẫn còn, khi trái gió trở trời, gặp lạnh là tái phát.

28 thg 9, 2013

XOA BÓP BẤM HUYỆT TRỊ ĐAU VAI GÁY

Đau cổ, gáy là bệnh hay gặp trên lâm sàng, bệnh liên quan đến bệnh lý đốt sống cổ . Bệnh thường gặp ở người già và tuổi trung niên. Thời gian gần đây gặp cả ở người trẻ, nhất là khối văn phòng do làm việc nhiều với máy tính trong phòng điều hòa lạnh. Theo y học cổ truyền, do tấu lý sơ hở, phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập gây tổn thương kinh lạc, cản trở lưu thông khí huyết, gây đau.

 Day bấm huyệt phong trì.

Các bước tiến hành:

Người bệnh ngồi trên ghế, người chữa đứng sau lưng bệnh nhân, lần lượt làm các thao tác sau:

- Xoa, xát vùng cổ và vùng lưng phía dưới cổ giữa hai bả vai, hai bên vai của người bệnh, day từ nhẹ tới mạnh cho tới khi nóng lên.

- Day vùng cổ: dùng ngón giữa tay phải bấm day vào giữa các đốt xương sống cổ từ trên xuống khoảng 3 - 5 phút.


- Lăn vùng vai gáy 2, 3 phút.

- Bóp các khối cơ vùng cổ từ trên xuống dưới, từ cổ tới mỏm vai, đặc biệt đối với chỗ đau, vừa làm vừa vận động nhẹ cổ bệnh nhân, thời gian 3 - 5 phút.

- Bấm huyệt giáp tích vùng gáy của bệnh nhân từ trên xuống, làm khoảng 3-5 phút (từ các đốt xương sống cổ sang ngang khoảng 0,5 - 1 tấc (còn gọi là thốn).

- Tìm điểm đau nhất của bệnh nhân, sau đó, dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn các điểm này trong khoảng 3 phút. Kết hợp bảo bệnh nhân quay cổ sang phải, sang trái 3 lần.

- Day bấm các huyệt phong trì (từ xương chẩm C1 đo ra ngoài 2 thốn), phong phủ (chỗ lõm giữa gáy và ở trên chân tóc gáy 1 thốn), đại chùy (ở dưới xương to ở cổ), kiên tỉnh (trung điểm của đường nối huyệt đại chùy và điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn), lạc chẩm (giữa hai xương bàn tay 2 và 3 mu bàn tay), a thị của bệnh nhân, mỗi huyệt day ấn khoảng 1 phút.

- Xoa vuốt cánh tay: dùng lòng bàn tay phải xoa vuốt tay trái từ trên vai xuống khớp khuỷu khi nóng lên thì đổi tay.

- Vỗ cánh tay: chụm khít các ngón tay và bàn tay vỗ bên cánh tay kia và ngược lại.

- Đấm cánh tay: nắm tay lại thành quyền, đấm lên cơ bắp cánh tay kia 3 - 5 phút rồi chuyển tay.

- Nghiêng cổ: cẳng tay người chữa để sát bên cổ trái người bệnh, tay kia làm động tác nghiêng cổ sang trái 3-5 lần, sau đó chuyển làm tiếp bên cổ phải.

- Ngửa cổ: cẳng tay người chữa để ở sau gáy người bệnh, tay kia để ở trán, làm động tác ngửa cổ, cúi cổ 3-5 lần.

- Vận động cổ: một tay đỡ cằm, tay kia giữ đầu, hai tay phối hợp nhẹ nhàng vận động đầu bệnh nhân qua phải, qua trái với góc độ tăng dần, khi cảm thấy cơ mềm có thể dùng lực hơi mạnh lắc đầu bệnh nhân sang phải và về phía sau, tiếp tục làm tương tự phía bên trái.

Phòng bệnh: Khi làm việc không cúi đầu quá lâu, không gối đầu cao quá.

CÁCH LUYỆN TẬP PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VAI GÁY

PNO - Đau, mỏi cổ; vai; gáy là biểu hiện rất thường gặp, có khi các biểu hiện này lan dọc theo cánh tay tới bàn tay. Đây thường là hậu quả của hiện tượng quá tải cơ vùng cổ gáy, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.


Ảnh minh họa

Bệnh thường gặp ở những người phải làm việc trong tư thế ngồi nhiều (như làm với máy tính, nghề may… ), làm việc trong trạng thái rung sóc (lái xe), các bất lợi cho cột sống trong sinh hoạt cũng như lao động khác (ngồi lệch, vẹo cổ khi làm việc, mang vác, xách nặng lệch một bên…).


Diễn biến của bệnh kéo dài gây khó chịu trong sinh hoạt, khó tập trung trong công việc, các biến chứng hẹp ống sống do thoát vị hoặc do thoái hóa cũng có thể gây yếu tay chân.

Để phòng và hỗ trợ điều trị thì việc luyện tập là rất quan trọng.

 

Cách tập Tập xoay cổ: - Chuẩn bị: Giữ thẳng cổ. - Xoay đầu sang một bên tối đa có thể làm được, giữ lại tư thế này khoảng 5 giây. - Xoay sang bên đối diện và cũng giữ tư thế này khoảng 5 giây. - Làm lập lại khoảng 15 đến 20 động tác, tập 2-3 lần/ ngày.


Tập nghiêng cổ hai bên: - Chuẩn bị: Giữ thẳng cổ. - Nghiêng đầu từ từ sang bên tối đa có thể làm được. - Giữ tư thế nghiêng này khoảng 5 giây. - Trở lại vị trí ban đầu, rồi nghiêng sang bên đối diện. - Mỗi lần làm khoảng 5 -10 động tác, tập 2 - 3 lần/ ngày

Tập cúi ngửa cổ: - Chuẩn bị: Giữ thẳng cổ. - Cúi cổ tối đa rồi ngửa cổ tối đa. - Mỗi lần tập 5 -10 động tác, tập 2 - 3 lần/ ngày.

Tập mạnh cơ cổ: - Tập mạnh cơ hai bên cổ: + Chuẩn bị: Ngồi giữ thẳng cổ. + Dùng bàn tay đặt vào một bên đầu, dùng lực của cơ cổ đẩy nhẹ vào bàn tay này; giữ trong khoảng 5 giây. + Đổi bên và cũng làm như vậy, cũng giữ trong khoảng 5 giây. + Mỗi bên làm khoảng 5 lần, làm 2 – 3 lần/ ngày. 

- Tập mạnh cơ cổ phía sau: + Chuẩn bị: Ngồi giữ thẳng cổ, đặt hai bàn tay giữ ở vùng chẩm. + Tập: Ngửa cổ về phía sau, đồng thời hai bàn tay kéo ngược lại phía trước tạo nên một kháng lực vùng cơ cổ phía sau. Giữ liên tục trong khoảng 5 giây. + Làm khoảng 5 động tác như vậy, mỗi ngày tập 2 -3 lần.

- Tập mạnh cơ cổ phía trước: + Chuẩn bị: Ngồi giữ thẳng cổ, hai tay đặt trước trán. + Tập: Cúi đầu về phía trước, đẩy nhẹ vào hai bàn tay, tạo nên kháng lực ở vùng cơ cổ phía trước. Giữ trong khoảng 5 giây. + Làm khoảng 5 động tác như vậy, ngày làm 2- 3 lần.

Tự xoa bóp vùng cổ gáy: + Cách làm: Cổ hơi cúi nhẹ, dùng 3 đầu ngón tay giữa vuốt dọc vùng cổ từ dưới lên trên theo 3 đường: dọc 2 khối cơ cạnh cột sống cổ và dọc theo cột sống cổ. + Làm khoảng 10 lần cho mỗi đường, ngày làm 2 - 3 lần.

Ý nghĩa của việc tập luyện:

Việc tập luyện này sẽ đạt được các mục tiêu:

- Các khối cơ vùng cổ được chắc khỏe, luôn đều đặn, cân xứng hai bên và không bị co cứng quá mức, không bị mềm nhẽo quá mức. Tư thế cột sống cổ ở đúng trạng thái sinh lý, như thế sẽ giảm được đau, mỏi.

- Các khoang gian đốt sống và khớp đốt sống được thư giãn tạo điều kiện cho các mạch máu giãn nở giúp nuôi dưỡng tốt hơn cho cột sống cổ. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp phòng và chống thoái hóa.

BÀI TẬP CHỮA ĐAU CỔ VAI GÁY


Đau cổ vai gáy là biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác nhau như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai đôi, hẹp khe liên kết... Sau đây là một vài động tác đơn giản mà bạn có thể áp dụng làm giảm chứng bệnh này

Day huyệt phong trì điều trị đốt sống cổ


Xoa cổ gáy

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người, úp hai lòng bàn tay lên gáy sát theo chiều ngang của gáy từ trái sang phải và ngược lại, từ trên xuống dưới.
Kế tiếp để 4 đầu ngón tay để lên chính giữa chỗ hõm sau gáy (huyệt phong phủ) day nhẹ dọc cột sống cổ từ trên xuống dưới theo vòng xoáy chôn ốc từ 20 - 30 lần.
Tiếp theo, chuyển tay sang sườn gáy cũng làm động tác trên từ huyệt phong trì xuống dưới bờ vai cả hai bên từ 20 - 30 lần. Có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp để tăng hiệu quả.

Vận động

Động tác 1: Vận động cổ

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người trên ghế đỉnh đầu và mặt ghế tạo thành góc vuông 90 độ, nhẹ nhàng cúi đầu thật từ từ đến khi cằm chạm sát thành ngực thì dừng lại, giữ nguyên 1 - 3 phút để cho nhóm cơ cổ gáy giãn ra. Sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu. 

Tiếp theo đưa đầu ngửa ra sau gáy đến khi ụ chẩm gần sát vai lưng khi không ngửa được nữa giữ nguyên trong 1 - 3 phút và sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu.

Kế tiếp làm động tác nhẹ nhàng từ từ như trên đối với nghiêng trái nghiêng phải, đối với nghiêng trái nghiêng phải thì má phải sát với bờ vai.
Mỗi động tác trên mới làm có thể tập 5 - 10 lần sau tăng lên, ngày có thể làm hai lần sáng ngủ dậy và trước khi ngủ.
Động tác này có tác dụng làm giãn tất cả các nhóm cơ cột sống cổ một cách từ từ, ở mức tối đa giúp giải phóng sự chèn ép, lưu thông máu tăng cường dinh dưỡng nuôi cột sống cổ.

Động tác 2: Ưỡn cổ

Nằm ngửa thẳng trên giường cứng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.
Hít vào tối đa cho bụng ngực căng lên, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để (bụng ngực xẹp xuống). Hạ vai rồi nghỉ.
Động tác có vai trò giãn cơ, tăng độ dẻo và mềm mại cột sống cổ, vai đồng thời tăng cường ôxy nuôi tổ chức tế bào nhất là tim, phổi và não...

Động tác 3:

Nằm ngửa thả lỏng người tối đa trên một mặt phẳng cứng, đầu không gối hai tay buông lỏng theo thân trong 10 - 15 phút.
Cố định ụ chẩm và gót chân đồng thời rướn và co người về phía trước, giữ ở tư thế này 1 - 2 phút để cột sống cổ kéo giãn tự nhiên, phòng trị co cơ, hẹp khe liên kết, thúc đẩy tuần hoàn đốt sống cổ.

Động tác 4:

Nằm úp mặt thả lỏng người hai tay xuôi theo cơ thể, bàn chân duỗi tối đa, lấy cằm là điểm đỡ chính cho đầu, nằm trong tư thế này 10 - 15 phút.
Động tác này có tác dụng giãn cơ, lưu thông tuần hoàn vùng cổ gáy, tạo đường cong sinh lý trở lại cho cột sống cổ.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hỗ trợ trực tuyến